Bố mẹ sống ở Hà Nội kiếm 8 triệu/ tháng, 1/3 thu nhập đã "đổ" vào tiền học con lớp 1

15-06-2017 07:00:00

Với nhiều phụ huynh ở Hà Nội, đặc biệt là những gia đình thu nhập không mấy khá giả, chi phí cho con vào lớp 1 không phải nhỏ, buộc cha mẹ phải "cày cuốc" để con được học lớp tốt nhất, trường tốt nhất.

Gia đình chị Ng đang sinh sống tại Quận Ba Đình, trung tâm thủ đô Hà Nội. Gia đình có con chuẩn bị học tiểu học, thu nhập trung bình 7 triệu đồng/tháng, làm thêm 1 triệu đồng/tháng.

Cố gắng vì "tương lai con em chúng ta"

Qua trao đổi, ngoài vấn đề về trang bị kiến thức nền cho con, việc chị Ng quan tâm nhất chính là chọn trường. Vợ chồng chị cũng giống như những cha mẹ khác rất đắn đo giữa hai sự lựa chọn: lớp chọn trường thường, đúng tuyến hay cho con học trường “điểm” trái tuyến?

Câu hỏi này đặt ra với nhiều vấn đề, đặc biệt là chi phí. Được biết để xin vào lớp chọn của trường “không phải là trường điểm” thường chi phí khoảng 3 - 5 triệu. Còn nếu muốn con vào trường “điểm” như trường Thực nghiệm tại khu vực Ba Đình của chị Ng là 20 – 25 triệu. 

Chị Ng và cậu con trai chuẩn bị vào lớp 1

Giờ học tiếng Anh với giáo viên bản xứ ở một trường tiểu học quận Ba Đình

Hiện nay có thể thấy nhiều trường tiểu học đưa ra các mức học ngoại ngữ khác nhau dành cho các em. Bên cạnh khoản học phí cố định chung là 1,3 – 1,5 triệu đồng/tháng, lớp ngoại ngữ với giáo viên bản xứ có thể thêm 800 nghìn đến 1 triệu, ngoài ra còn có các lớp năng khiếu piano, nhảy hiện đại ... Với nhiều gia đình có mức thu nhập trung bình như nhà chị Ng, việc chi trả một khoản tiền quá lớn để vào trường điểm có lẽ hơi quá sức. Để con trở thành "công dân toàn cầu", buộc bố mẹ phải chăm chỉ "cày cuốc".

Bố mẹ nai lưng cày cuốc

Chị Ng chia sẻ, tổng thu nhập gia đình chị là 8 triệu, riêng học phí của con  là 2 – 2,5 triệu đồng. Còn lại sẽ dành cho sinh hoạt hàng ngày cho cả bố, mẹ và con. Trong khi trước đó bé đi học mẫu giáo chỉ khoảng 1,3 triệu/tháng. Vậy khi con bắt đầu chuyển sang cấp 1 sẽ chênh lên ít nhất 1 triệu.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Ng đưa ra hướng giải quyết. Thứ nhất hạn chế đi du lịch, thay vì một năm ba lần sẽ chỉ còn một lần, tiền tiết kiệm để đóng học phí cho con. Vợ chồng chị cũng tính làm thêm ngoài giờ tăng thu nhập. Thực tế cho thấy rất nhiều gia đình hiện nay ở Hà Nội vợ hoặc chồng sau tan sở vẫn phải cố gắng cày cuốc. Những công việc phổ biến bố mẹ chọn để làm thêm như dịch thuật, bán hàng online, thậm chí có ông bố phải chạy xe ôm hay bảo vệ ban đêm. Tất cả để con được học ở nơi tốt nhất.

Bảng tóm lược thu chi chị Ng cung cấp

Thu:

Thu nhập chính: 7000.000

Thu nhập thêm: 1000.000

Tổng thu:            8000.000

Chi:

Học phí cố định:  1500.000

Tiền học thêm:    1000.000

Điện, nước, internet, truyền hình cáp: 1200.000

Ăn, uống: 2400.000

Xăng xe: 500.000

Hiếu, hỉ, thăm người ốm: 500.000

Phụ phí phát sinh (con ốm, quà tặng, ...): 500.000

Tổng chi: 7600.000

Còn dư: 400.000

Nhìn vào bảng tóm lược trên có thể thấy dù đã cố tăng thu nhập nhưng khoản thu chỉ vừa đủ chi, dư ra 400.000 đồng. Muốn tiết kiệm hay du lịch, đi chơi, bố mẹ bé cần chắt chiu, cắt giảm triệt để hơn nữa nhu cầu cá nhân. Đấy là chưa kể nhiều gia đình còn phải thuê nhà, con bước vào lớp 1 sẽ khiến bố mẹ thêm một gánh nặng.

Con vào tiểu học sẽ là cánh cửa lớn rộng mở trước mắt các con. Bên canh đó mang theo nỗi trăn trở không nhỏ đối với nhiều gia đình sống tại thủ đô Hà Nội. Làm sao để cho con môi trường học tập tốt nhất? Để từng bữa cơm, từng sinh hoạt nhỏ trong gia đình không bị đảo lộn? Một bài toán không mới nhưng không phải ai cũng tìm được cách giải tối ưu.

Hà Linh
Theo Đời sống Plus/GĐVN //