Bỏ hàng trăm nghìn tỷ đồng tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm
Việc hàng loạt địa phương, bộ ngành tổ chức quá nhiều lễ kỷ niệm bằng ngân sách nhà nước hoặc huy động doanh nghiệp 'xã hội hoá' cũng đều lãng phí, vì tiền của doanh nghiệp cũng là nguồn lực của xã hội, của đất nước.
Đây là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều nay, 19/4, cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016.
Đại diện Chính phủ trình báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong bối cảnh 2016 có nhiều khó khăn, thách thức tác động đến nguồn thu ngân sách, Chính phủ đã có nhiều hành động tích cực, quyết liệt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cụ thể, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tiết kiệm, hiệu quả hơn, đảm bảo cân đối ngân sách; giữ bội chi trong phạm vi Quốc hội quyết định; ban hành các nghị định, quy định chế độ tự chủ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, sự nghiệp kinh tế; xây dựng chiến lược, chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay trả nợ hàng năm và các tiêu chí giám sát nợ, triển khai lộ trình khoán xe công...
Thẩm tra báo cáo Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho hay, bên cạnh những chuyển biến tích cực đáng khích lệ, trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, yếu kém cần tiếp tục khắc phục.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (giữa) cho rằng việc hàng loạt địa phương, bộ ngành tổ chức quá nhiều lễ kỷ niệm bằng ngân sách nhà nước hoặc huy động doanh nghiệp “xã hội hoá” cũng đều là lãng phí.
Theo cơ quan thẩm tra, việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tuy đã được siết chặt gắn với yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả nhưng có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, thất thoát, tiêu cực.
Báo cáo cho biết năm 2016, thanh tra Bộ Tài chính thực hiện 47 cuộc thanh tra, kiểm tra, đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 16.700 tỉ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) hơn 8.400 tỉ đồng; giảm quyết toán, không thanh toán kinh phí 293,6 tỉ đồng; xử lý tài chính khác hơn 7.300 tỉ đồng.
Hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát hơn 753 nghìn tỉ đồng chi thường xuyên của NSNN, bằng 90% dự toán năm, đã phát hiện 28.800 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối thanh toán 42 tỉ đồng; từ chối thanh toán vốn đầu tư 149,8 tỉ đồng, do các chủ đầu tư đề nghị thanh toán không đúng đối tượng, thủ tục đầu tư không đúng quy định; quyết toán chi chưa đúng quy định.
Nhiều nơi tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh gây lãng phí tốn kém
Đáng chú ý, theo đánh giá của Ủy ban TCNS, năm 2016, nhiều địa phương tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh, tái lập tỉnh gây lãng phí, tốn kém. Dẫn chứng cụ thể được đưa ra là việc tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỉ đồng để mua quà tặng dịp thành lập tỉnh; Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam yêu cầu các đơn vị bỏ ra hàng chục tỉ đồng mua kỷ niệm chương 80 năm ngày truyền thống...
Cũng theo Ủy ban TCNS, việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, phương tiện của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước vẫn còn biểu hiện lãng phí, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt để hạn chế lãng phí trong việc mua sắm tài sản nhà nước.
Phổ biến là việc mua sắm, sử dụng tài sản nhà nước không kịp thời, chưa phù hợp và vượt tiêu chuẩn quy định; chưa nghiêm trong việc chấp hành quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc, xe ô tô công; việc xử lý, thanh lý tài sản còn xảy ra thất thoát, lãng phí, nhất là đối với xe ô tô công, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Báo cáo thẩm tra còn dẫn tài liệu về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết, sau khi thực hiện các quy định mới về chế độ trang bị, sử dụng xe ô tô công, dự kiến sẽ dôi ra khoảng 7.000 chiếc.
Tiêu đề đã được Đời sống Plus đặt lại