Bộ GD-ĐT tính phương án thi tốt nghiệp THPT trên máy tính
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Bộ GD&ĐT sẽ chuẩn bị các điều kiện từng bước tổ chức thi trên máy tính.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 giữ ổn định như năm 2020
Chiều 24/9, trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT, cho biết, qua 6 năm đổi mới từ kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 được đánh giá thành công.
Năm học 2025-2026 sẽ đón lứa học sinh lớp 12 đầu tiên thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, trong giai đoạn 2021-2025, quan điểm chỉ đạo chung là vận hành kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình hiện hành. Đặc biệt, năm 2021, kỳ thi sẽ được tổ chức như phương thức năm 2020. Do đó, các nhà trường, giáo viên, học sinh yên tâm dạy và học.
Hướng tới việc thử nghiệm thi trên máy tính
Ảnh minh họa
Ông Trinh cho hay, Bộ GD&ĐT sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, theo hướng tính toán thi trên máy tính bên cạnh việc duy trì thi trên giấy. Điều này phù hợp với xu hướng của thế giới và sẽ thực hiện theo lộ trình.
Tuy nhiên để thi trên máy tính phải có quy chế thi riêng; xây dựng hệ thống cơ sở vật chất bao gồm phòng máy tính, đường mạng, thiết bị an ninh; phần mềm điều hành thi; chuẩn bị đội ngũ cán bộ coi thi vận hành hệ thống; chuẩn bị kỹ năng cho học sinh sử dụng máy tính. Đặc biệt là phải có thử nghiệm, sau đó mở rộng dần hình thức thi này.
“Với những địa phương có đủ những điều kiện, sẽ tiến hành thử nghiệm dần. Tuy nhiên, phải đảm bảo làm sao, kể cả thi trên giấy hay máy tính thì đều trung thực, có sự tương đồng và công bằng cho tất cả thí sinh. Đặc biệt, phải làm sao không gây sốc với những bên liên quan, trước mắt là học sinh, giáo viên”.
Quan điểm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là thi bằng hình thức nào cũng bảo đảm sự trung thực, tương đồng, không gây sốc đối với học sinh và giáo viên. Việc tổ chức thi song song 2 hình thức (trên giấy và trên máy tính) không được xảy ra tình trạng bất bình đẳng giữa các vùng miền, gây bất lợi cho thí sinh.
Theo đó từ năm 2021, Bộ GD&ĐT bắt đầu chuẩn bị các điều kiện để sớm có thể triển khai thi trên máy tính. Hình thức thi này được thực hiện tại các trung tâm khảo thí. Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trung tâm khảo thí của các trường đại học, các Sở GD&ĐT và các tổ chức cá nhân nếu đủ điều kiện. Thí sinh có thể dự thi một số lần trong năm.
Bên cạnh đó, nhìn lại kỳ thi THPT năm nay dù tỷ lệ đỗ trên 90% nhưng theo Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì ở từng môn học cụ thể, kết quả vẫn đặt ra những vấn đề cần tiếp tục xử lý. “Chúng ta cũng cần giữ ổn định kỳ thi, tránh việc tạo áp lực thay đổi đối với xã hội. Kỳ thi phải đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng, không gây áp lực cho thí sinh, tốn kém cho xã hội, đồng thời đánh giá được chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông”.