Bố cao chạm cửa nhưng sinh con toàn tí hon và cuộc mưu sinh chầy chật trong "ngôi nhà người lùn"
“Khi tôi đến xin việc, họ nhìn khắp một lượt từ chân lên đến đầu, bĩu môi rồi phẩy tay từ chối vì lý do tôi lùn quá, họ sợ không làm được việc”.
Không xin được việc gì vì quá lùn
Ở thôn Nội Lễ (xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) có gia đình rất đặc biệt mà mỗi khi nhắc đến tất cả dân làng từ người già đến trẻ nhỏ đều biết đến, đó là gia đình chị Nguyễn Thị Bình.
Nhà chị Bình thì được dân làng gọi với cái tên thân mật là gia đình của người tí hon. Thật vậy, nhà chị Bình có 3 người thì cả 3 đều có chiều cao hết sức khiêm tốn.
Chị Nguyễn Thị Bình (SN 1963) và cậu con trai là em Nguyễn Thành Công (SN 2001) có chiều cao chưa đầy 80cm. Người cao nhất trong nhà là anh Nguyễn Văn Lâm - em trai cùng cha khác mẹ với chị Bình cũng chỉ có chiều cao 110cm.
Căn nhà ngói ba gian tồi tàn của gia đình anh Nguyễn Văn Lâm, chị Nguyễn Thị Bình nằm gọn lỏn giữa bốn bề nhà cao tầng mọc lên san sát. Nhìn từ bên ngoài, màu thời gian của căn nhà phủ kín lên từng chiếc cột kèo, từng viên ngói. Căn nhà chòng chành dường như có thể đổ bất cứ lúc nào.
Phía bên trong, ngôi nhà trông còn hoang tàn hơn. Trên mái nhà lỗ chỗ những vết hở toang hoác khiến cho nắng có thể chiếu vào tận bên trong.
Căn nhà từ thời ông nội để lại của gia đình anh Lâm, chị Bình. Ảnh: Duẩn.
Lấy sức bật lên thành giường, vẻ mặt hoang mang, anh Lâm chia sẻ về cuộc sống của gia đình mình.
“Gia đình tôi trước kia đều phát triển rất bình thường, tôi nghe bố mẹ kể lại có người còn cao gần đụng trần cửa đi vào. Bố mẹ tôi cũng rất bình thường, không cao nhưng cũng không quá lùn như chị em tôi.
Tôi được nghe kể lại, trước đây bố tôi có đi bộ đội, tham gia kháng chiến chống Pháp nên bị nhiễm chất độc da cam nên từ đời chị em tôi bắt đầu bị ảnh hưởng”.
Cũng theo anh Lâm, trước đây, chị gái cùng cha khác mẹ với anh là chị Nguyễn Thị Bình khi còn nhỏ cũng phát triển hết sức bình thường. Tuy nhiên, càng về sau, khi bạn bè cùng trang lứa cứ lớn dần lên còn chị Bình vẫn mãi như thế.
“Lúc bấy giờ, gia đình tôi mới biết rằng chị Bình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam di truyền từ bố tôi”, anh Lâm cho hay.
Gia đình anh Lâm cũng chẳng phải thuộc dạng khá giả gì, mẹ anh mất từ khi anh còn rất nhỏ. Ít lâu sau, bố anh cũng đi bước nữa, bỏ lại hai chị em anh Lâm.
Vì gia đình quá nghèo nên anh Lâm không được đi học. Thân hình quá nhỏ bé và chiều cao khiêm tốn, hơn nữa sức khỏe lại yếu nên anh không thể xin được việc làm.
Anh Nguyễn Văn Lâm chia sẻ với PV. Ảnh: Duẩn
“Tôi cũng đã đi nhiều nơi để xin việc nhưng không được nhận. Khi tôi đến xin việc, họ nhìn khắp một lượt từ chân lên đến đầu, bĩu môi rồi phẩy tay từ chối vì lý do tôi lùn quá, họ sợ không làm được việc.
Xã cũng có cấp ruộng cho cày cấy nhưng chúng tôi cũng không thể làm được, đành bỏ hoang hóa hoặc cho người khác thầu kiếm chút thóc”, anh Lâm chia sẻ.
Để có tiền chi tiêu, hàng ngày anh Lâm phải đi khắp làng xóm, xem ai có việc gì cần thì xin làm lấy tiền đong gạo. Khi thì cắt cỏ, quét lá cây, khi thì nhặt nhạnh phế liệu bán. Tuy nhiên, theo lời anh, tất cả những công việc đó không phải lúc nào cũng có.
“Thường thì lâu lâu người ta mới gọi một lần. Tiền công cũng được 20.000 đồng đến 30.000 đồng, đủ đong gạo ăn qua ngày”, anh Lâm cho hay.
Không chỉ khó khăn trong tìm việc, đi đến đâu, anh cũng gặp phải những ánh mắt dò xét, những lời xì xèo bàn tán về chiều cao hạn chế của mình.
“Họ cười đùa, chế nhạo, rồi chỉ trỏ khiến bản thân tôi rất tủi thân. Trước đây, tôi cũng nhận hạt sen về để thông thuê tâm nhưng chân tay vụng về toàn làm vỡ hạt sen. Có người còn tìm đến nhà để bắt đền tiền”, anh Lâm chua chát kể.
“Tôi chỉ mong lợp lại mái nhà để che mưa nắng”
Khoảng thời gian những năm 1994 đến năm 1996, gia đình anh Lâm, chị Bình rơi vào tình cảnh cực kì khó khăn. Do không có tiền, thiếu ăn triền miên nên 2 chị em phải bỏ nhà, dắt díu nhau đi khắp nơi để ăn xin kiếm sống qua ngày.
Cuộc sống vốn đã khó khăn, vất vả nhưng những tai họa lại liên tiếp ập đến với gia đình anh. Cháu Nguyễn Thành Công ra đời vừa là niềm vui, cũng vừa là cái kết chua chát cho mối tình đầu đời của chị Bình.
“Chị tôi bị người xấu dụ dỗ, hứa hẹn đủ điều, rồi lợi dụng làm chuyện xấu xa với chị ấy. Năm 2001, cháu Công ra đời, bất đắc dĩ 2 chị em tôi mới không đi xin ăn nữa mà trở về nhà cũ để lo cho cháu”, anh Lâm nhớ lại.
Là người cao nhất trong gia đình nhưng chiều cao của anh Lâm cũng chỉ có 110cm. Ảnh: Duẩn.
Từ đó đến nay, trong căn nhà cũ kỹ từ thời cụ tổ để lại, 3 con người khốn khổ nương tựa vào nhau sống những tháng ngày khó nhọc. Hằng ngày, chị Bình đi nhặt vỏ chai, vỏ lon bia bán đồng nát còn anh Lâm gắn bó với việc cắt cỏ thuê cho cá ăn, dọn dẹp vườn tược.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi trong một lần con ốm, chị Bình bế con đi mua thuốc, vừa ra đến đầu ngõ thì một chiếc xe máy từ đâu lao đến tông gãy chân phải đi bệnh viện bó bộ, đóng đinh phần chân bị gãy.
“Bác sĩ thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên không lấy tiền viện phí, lại còn mua thuốc men cho chị tôi chữa chạy. Vì không có tiền tháo đinh nên đến giờ, 10 chiếc đinh vẫn ở trong chân chị tôi, những lúc trái gió, trở trời, chân chị ấy lại đau nhức nhưng không lấy tiền đâu mà mua thuốc được”, anh Lâm buồn bã chia sẻ.
Sau tai họa đó, sức khỏe chị Bình giảm sút trông thấy, chị không còn đi đó đây để nhặt đồng nát được nữa. Bây giờ, hàng ngày, chị Bình thường quanh quẩn ở khu vực đền An để hóa vàng hộ du khách thập phương.
Chị Nguyễn Thị Bình và cháu Nguyễn Thành Công có chiều cao chưa đến 80cm. Ảnh: Duẩn.
“Đền cũng cách nhà khá xa, hàng ngày tôi đều phải đi bộ ra đó, đến tối mịt mới về. Nhiều khách thương tình cho tôi một vài đồng. Ngày nào cao nhất cũng chỉ được 30.000 đồng đến 50.000 đồng.
Tôi ở đây cả buổi trưa, du khách có lộc phân phát thì có cái để ăn chứ đa phần tôi đều phải uống nước cầm hơi cho đỡ đói”, chị Bình buồn bã kể.
Khi được hỏi về em Công, chị Bình không giấu được những giọt nước mắt nghẹn ngào. Do di truyền từ mẹ nên mặc dù đã 17 tuổi nhưng thân hình của Công cũng thấp bé. Được người dân khuyến khích, động viên nên chị đã đồng ý cho con trai đi học để kiếm lấy cái chữ. Hàng ngày, sau mỗi giờ trên lớp, Công lại chạy về đền An tranh thủ đốt giấy tiền thuê kiếm đồng ra, đồng vào cùng mẹ.
Chia sẻ về ước mơ của mình, Công cho biết bản thân sẽ cố gắng học thật tốt để kiếm một công việc bàn giấy để làm kiếm tiền phụ giúp cậu và mẹ.
Mỗi khi tan học, Công lại đến phụ mẹ đốt giấy tiền ở đến An. Ảnh: Duẩn.
“Nhiều khi đến lớp, các bạn trêu đùa em cũng cảm thấy tủi thân lắm nhưng phải cố gắng để học tập. Hình dáng em thế này sẽ không thể làm được những công việc nặng nhọc. Em mong sau này sẽ tìm được một công việc bàn giấy để làm”, Công chia sẻ.
Hiện tại, gia đình chị Bình đang sống chủ yếu dựa vào số tiền 180.000 đồng được chính quyền xã trợ cấp theo diện người tàn tật. Khi được hỏi về ước mơ của mình, chị Bình cười tâm sự.
“Chẳng dám ước mơ gì cao sang, chỉ ước được xã trợ cấp cho chút vốn liếng để sửa lại mái nhà. Nhà cũ, ngói hở, mỗi lần mưa xuống ba mẹ con, chị em phải trú sát vào góc tường cho đỡ ướt.
Tuổi của tôi cũng chẳng sống được bao lâu nữa, chỉ mong con cái sau này được cơm no, áo ấm, học hành tử tế là tôi vui rồi”.