Bị thương ở chân tay hay côn trùng đốt... mà có những dấu hiệu thế này thì cần tới bệnh viện ngay lập tức

09-04-2019 07:30:31

Tuy không phải là bệnh, nhưng nếu mắc phải chứng này với những dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc mà chậm đến bệnh viện thì có thể bị hoại tử phải cắt chi, tử vong chỉ từ một vết xước nhỏ, vết côn trùng cắn...


Nguồn ảnh: Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên

Xót xa vì bỗng dưng mất chi

Theo Phòng công tác xã hội (Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên), hôm 3/4/2019, Khoa Hồi sức Tích cực – Chống độc của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân G.G.K (60 tuổi, trú tại Điện Biên Đông) trong tình trạng rất nguy kịch: Nhiễm khuẩn huyết sưng nề và hoại tử vùng bàn cẳng tay trái; suy thận độ 3B.

Theo người nhà bệnh nhân, 3 ngày trước, ông K. đi rừng bị dao cắt bàn tay trái nhưng ông K. không tới cơ sở y tế điều trị vết thương mà tự điều trị tại nhà bằng lá rừng. Tới khi vết thương có những dấu hiệu như xuất hiện sưng nề, hoại tử, ông mới được gia đình đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Các bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh nhân rất nghiêm trọng, có thể gây tử vong, nguy cơ cắt cụt chi.

Ông K. được điều trị tích cực bằng bù dịch, kháng sinh phối hợp, dinh dưỡng tĩnh mạch, cấy máu. Tới nay bệnh nhân đã tỉnh nhưng còn mệt, sưng nề hoại tử mô mềm vùng bàn cẳng tay trái, tình trạng suy thận cải thiện chậm.

Còn nhớ năm 2018, bé gái 3 tuổi Đ.A.T (huyện Phong Thổ, Lai Châu) cũng bị nhiễm khuẩn huyết. phải cắt cụt hai tay. Mẹ bé đau đớn cho biết, trước khi bị sốt vài ngày, cháu có dấu hiệu ăn kém và sau đó bị sốt, chị chỉ nghĩ là bệnh trẻ con, do thời tiết thay đổi.

Sáng hôm sau chị hoảng hồn thấy ngón tay, ngón chân con bị tím đen, trên da có vết phồng như phỏng nước. Ngay lập tức gia đình đưa cháu đến Bệnh viện huyện Phong Thổ, rồi bệnh viện đa khoa tỉnh và được chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sỹ đã cấy tất cả các loại vi khuẩn để tìm căn nguyên bệnh như liên cầu lợn, than, cúm, viêm khớp dạng thấp... nhưng đều âm tính, chưa tìm ra căn nguyên gây bệnh cho cháu bé.

Hà Nội cũng từng có trường hợp ở ngay thành phố vẫn bị nhiễm khuẩn huyết, hôn mê sau khi bị côn trùng đốt.

Chớ coi thường từ nốt muỗi đốt, vết xước... trên da

Ths.Bs Nguyễn Thế Dũng – Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên) khuyến cáo, khi gặp tai nạn thương tích người bệnh cần kiểm soát được tình trạng mất máu của vết thương, đảm bảo sát khuẩn, tránh gây nhiễm khuẩn.

Đặc biệt, khi bị thương, người dân không nên tự ý điều trị ở nhà, hoặc điều trị tại các cơ sở y tế kém chất lượng để tránh những hậu quả đáng tiếc như suy đa phù tạng (thận, gan,…), nhiễm khuẩn huyết, uốn ván…dẫn tới cắt cụt chi, nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Theo các bác sĩ, nhiễm khuẩn huyết là bệnh nặng, nhưng lại có thể gặp sau những căn nguyên như sau viêm họng, viêm tai, vết xước trên da, thậm chí là do côn trùng đốt cũng có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết.

"Nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu) xảy ra khi vi trùng xâm nhập vào cơ thể, tiết ra chất độc dẫn đến suy đa cơ quan, rối loạn đông máu hoặc suy gan, suy thận... và bất kỳ ai cũng có thể mắc phải" - PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong, Trường ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh cho biết trên báo Tuổi trẻ. Khi xác định bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, bác sĩ sẽ xác định "ngõ vào" của vi khuẩn. Ví dụ nhiễm trùng máu hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu… do trước đó người bệnh đã bị nhiễm trùng các hệ này trước.

Nhiễm khuẩn huyết không phải bệnh, nhưng tình trạng nguy kịch có thể gây tử vong cho bệnh nhân, hoặc để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì nhiễm khuẩn huyết có thể tử vong chỉ từ một vết xước nhỏ, vết côn trùng cắn... nên các bác sĩ khuyến cáo người dân cần lưu ý để được điều trị "ngõ vào" gây ra tình trạng nhiễm khuẩn huyết sớm. Nhiễm khuẩn huyết có thể điều trị, nếu người nhà thấy bệnh nhân có các dấu hiệu nhiễm độc, nhiễm trùng thì nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được điều trị tích cực.

Bác sĩ sẽ kiểm tra chuyên sâu, cấy máu, xác định vi khuẩn trong máu, nguồn lây nhiễm, số lượng tiểu cầu, thay đổi chức năng gan thận… để kiểm tra và ngăn chặn sự nhiễm trùng, kiểm soát chức năng hoạt động của các cơ quan và điều chỉnh huyết áp cân bằng, đưa ra hướng điều trị khác (như máy thở, hoặc lọc máu, một vài trường hợp phải phẫu thuật để loại bỏ nhiễm trùng).

Dấu hiệu nhiễm khuẩn huyết:

Nhiễm khuẩn huyết có thể bắt đầu ở bất kỳ các bộ phận nào trên cơ thể nên có nhiều triệu chứng khác nhau, nhưng có các biểu hiện của hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc như:

- Sốt cao, nhiệt độ cơ thể không ổn định;

- Thở gấp hoặc rối loạn nhịp thở;

- Mạch nhanh; thở nhanh;

- Ớn lạnh;

- Đi tiểu ít hơn bình thường;

- Buồn nôn, ói mửa; bị tiêu chảy...

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm khuẩn huyết, một số nhóm có nguy cơ cao hơn như nhóm người bị suy giảm hệ miễn dịch (mắc các bệnh như HIV/AIDS, ung thư); trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; người cao tuổi, đặc biệt là những người có vấn đề sức khỏe; người mới phẫu thuật; bệnh nhân tiểu đường…

 

Ngọc Hà
Theo Gia đình & Xã hội //