Bí quyết lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực bản thân
Nếu còn băn khoăn không biết chọn ngành học, đừng bỏ qua những điểm mấu chốt sau đây.
Hiểu được thế mạnh của bản thân
Thế mạnh là một yếu tố quan trọng trong lựa chọn định hướng ngành học cũng như nghề nghiệp sau này. Trước hết việc việc yêu thích, học tốt ở môn học nào đó có thể quyết định khả năng làm việc, phát triển của bản thân ở ngành nghề đó trong tương lai. Ngoài việc học tập các môn học trên lớp, các em nên dành thời gian để khám phá thêm những thế mạnh khác của bản thân. Ví dụ như ca hát, nhảy múa, thiết kế đồ hoạ, thể dục thể thao, hay các ngành liên quan đến chăm sóc cảnh quan, cây cối, có thể dành thời gian ngoài trời,…
Xác định bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào
Tìm được sở thích của bản thân là điều quan trọng vì nếu yêu thích thì mới có thể theo đuổi lâu dài. Tuy vậy không nên xác định cứng nhắc theo sở thích mà còn phải xét đến những yếu tố như điều kiện kinh tế, tình hình xã hội,.. Bản thân có thể có nhiều sở thích nhưng phải biết nhìn nhận, đánh giá xem điều gì sẽ phát triển tốt nhất, phù hợp với bản thân và cả những điều kiện khác.
Để có thêm những lời khuyên khách quan, hãy tham khảo thêm ý kiến của thầy cô, người thân, bạn bè... Tham gia các buổi hướng nghiệp, tham quan thực tế nghề nghiệp ở các công ty, tìm hiểu thêm thực tế nghề nghiệp qua một số cá nhân đang làm nghề.
Tìm hiểu nhu cầu xã hội
Tìm hiểu nhu cầu của xã hội là một bước quan trọng trong quá trình tìm hiểu ngành học và ngành nghề theo đuổi. Khi tìm hiểu nhu cầu của xã hội, chúng ta cũng đa dạng hoá lựa chọn hơn.
Xu hướng chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ hiện nay cũng gia tăng ở các nhóm nghề sau: Bán hàng, Marketing (đặc biệt là Digital Marketing), Kỹ thuật viên an ninh, Chuyên gia về Công nghệ tài chính (Fintech), Phân tích dữ liệu, Kỹ sư. Việc chuyển dịch nhu cầu nhân lực các nhóm ngành nghề trên bắt nguồn từ sự dịch chuyển sang thời kỳ chuyển đổi số của Việt Nam, và đang trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0.
Tìm hiểu kỹ càng ngành nghề mà mình lựa chọn
Bạn cần trao đổi với những ai đã thành công trong lĩnh vực bạn sắp chọn để biết được những điều thú vị và khó khăn của lĩnh vực đó. Quan trọng hơn là biết được và trau dồi thêm những kỹ năng mình còn thiếu, khi học thêm những kỹ năng mới thì cơ hội lựa chọn sẽ mở ra thêm với bạn.
Tìm hiểu về chương trình đào tạo:
Tên nghề và những nghề nghiệp chuyên môn thường gặp trong nghề.
Mục tiêu đào tạo và nội dung đào tạo của ngành nghề.
Nhu cầu thị trường lao động đối với ngành nghề đó.
Những phẩm chất và kỹ năng cần thiết để tham gia lao động trong nghề.
Những nơi đào tạo ngành nghề từ hệ công nhân kỹ thuật cho đến bậc đại học.
Đánh giá hướng phát triển của ngành nghề bạn muốn theo đuổi.
Học phí, học bổng.
Bằng cấp và cơ hội học lên cao.
Thời gian đào tạo và phương thức đào tạo.
Tìm hiểu các khối thi tuyển sinh đầu vào, điểm trúng tuyển của ngành nghề đó trong ba năm liên tiếp.
Những nơi có thể làm việc sau khi học ngành nghề.
Những chống chỉ định y học.
Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quá trình đào tạo của nhà trường.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành nghề đó có việc làm, thành phần công việc, mức lương.
Chia sẻ kinh nghiệm chọn ngành học, Vũ Thanh Huyền, một cựu sinh viên trường Đại học Quốc gia chia sẻ: Quãng thời gian học trung học phổ thông trôi qua rất nhanh, vì vậy chúng ta phải sử dụng thời gian của nó triệt để. Ngoài học những môn văn hoá ở trường thì còn phải tìm hiểu cả những sở trường, trau dồi kỹ năng cho bản thân đặc biệt là phải biết bản thân mạnh về lĩnh vực nào và muốn theo đuổi ngành nghề gì. Có nhiều con đường để dẫn đến thành công, học đại học đương nhiên không phải là con đường duy nhất giúp phát triển bản thân, làm một người có ích cho xã hội. Bản thân tôi cũng đã dành thời gian suy nghĩ và chọn lựa được ngành học yêu thích đối với bản thân mình. Tham gia các buổi hướng nghiệp của trường học và chọn được ngôi trường mơ ước. Nhờ đó quãng thời gian sinh viên tôi đã rất hăng say học tập và tìm hiểu nhiều kiến thức sâu rộng, chuẩn bị hành trang bước vào đời.
Việc xác định được mục tiêu định hướng nghề nghiệp sẽ giúp bạn dễ dàng xác định được hướng đi và mục tiêu học tập cho bản thân một cách nhanh chóng. Xác định đúng mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai giúp các bạn trẻ không còn tiếc nuối khi đưa ra những lựa chọn sai lầm, thiếu đúng đắn. Có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, chính xác giúp các bạn trẻ tránh mất quá nhiều thời gian và tiền bạc đầu tư vào việc học những kiến thức, những ngành nghề không phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân.