Bệnh Whitmore gia tăng ở miền Trung: Đi khám ngay nếu thấy dấu hiệu này
Thời gian gần đây, số người mắc bệnh Whitmore gia tăng đột biến tại các tỉnh miền Trung sau thời gian mưa lũ. Khi thấy xuất hiện những triệu chứng dưới đây, người dân nên đến cơ sở y tế kiểm tra ngay để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Ảnh minh họa
Từ đầu tháng 10 đến nay, các tỉnh miền Trung ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Khu vực này vừa trải qua các cơn mưa lũ kéo dài khiến vệ sinh môi trường tại các vùng dân cư bị ô nhiễm. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.
Trước tình hình các ca bệnh Whitmore có thể xuất hiện thêm trong thời gian tới, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, gửi công văn tới lãnh đạo 9 tỉnh, thành ở miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) chủ động có phương án đối phó.
Bộ yêu cầu các địa phương trên tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Whitmore, phát hiện sớm các ca mắc mới, lấy mẫu xét nghiệm những ca nghi ngờ và nhóm có nguy cơ cao. Đây là chìa khóa then để phát hiện sớm các trường hợp mắc và xử lý điều trị, đặc biệt là tại các vùng nguy cơ cao, đã có người mắc bệnh Whitmore.
Bệnh melioidosis hay còn được gọi là bệnh Whitmore, đây là bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm cho người hoặc động vật. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm. Bệnh này chủ yếu xảy ra ở các nước khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á và miền bắc Australia do lây truyền sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh bị ô nhiễm.
Whitmore là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh nhân đái tháo đường, gout, suy giảm hệ miễn dịch..., có nguy cơ mắc và bị nặng hơn. Những người lao động chân tay, tiếp xúc thường xuyên với bùn, đất như nông dân cũng có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Ngoài ra, trẻ em dễ mắc khi chúng vô tình tiếp xúc bùn đất, vi khuẩn trên đồ chơi.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên rất khó phát hiện. Người mắc bệnh Whitmore thường sẽ có dấu hiệu sốt cao, đau dạ dày, viêm mang tai (rất giống với quai bị), đau cơ khớp, đau đầu và co giật, triệu chứng viêm phổi (ho, khó thở, đau ngực), nhiễm trùng trên da với các dấu hiệu đau hoặc sưng, loét và áp xe. Nếu có các triệu chứng này, người dân nên đi khám ngay khi có thể để được làm xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác bệnh.
Chuyên gia cũng khuyến cáo, phòng bệnh là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Cần hạn chế tiếp xúc với những môi trường mà mầm bệnh thường trú ngụ. Trong trường hợp buộc phải tiếp xúc thì cần chú ý đảm bảo vệ sinh và an toàn lao động như đi ủng, đeo găng, băng bó các vết thương hở, bởi đây là con đường để Whitmore xâm nhập vào. Sau khi tiếp xúc cần sát khuẩn chân tay bằng xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn.