Bệnh viện Việt Đức sẽ ghép phổi cho bệnh nhân phi công người Anh
Bộ Y tế giao Bệnh viện Việt Đức và Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, khởi động tìm nguồn hiến tạng đủ điều kiện ghép cho "bệnh nhân 91".
Bệnh viện Việt Đức sẽ ghép phổi cho bệnh nhân phi công người Anh.
Ngày 14/5 là ngày thứ 39 bệnh nhân 91 được chạy ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo). Hiện đây là biện pháp duy trì sự sống cho nam phi công 43 tuổi quốc tịch Anh này.
Đây là bệnh nhân rất nguy kịch, 90% phổi không còn hoạt động được, xơ hoá, đông đặc, sự sống phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, Gia đình & Xã hội đưa tin.
Liên tiếp trong nhiều ngày qua, các bệnh viện lớn của 3 miền đã nhiều lần hội chẩn trực tuyến để đánh giá, tìm hướng điều trị cho bệnh nhân này. Mới nhất là cuộc hội chẩn liên viện ngày 12/5. Theo đó, qua chụp CT phổi, chuyên gia đánh giá tổn thương phổi của bệnh nhân ở mức độ lớn và có chỉ định ghép phổi.
Tiểu ban Điều trị đã có sự phân công phân nhiệm cụ thể cho các đơn vị. Theo đó, Bệnh viện Việt Đức và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia được giao khởi động chương trình tìm nguồn cho tạng đủ điều kiện ghép phổi.
Trong khi tìm nguồn tạng, bệnh nhân phải được chuẩn bị đầy đủ điều kiện để ghép. Tức là tổn thương phổi không hồi phục và tình trạng nhiễm trùng cần tiếp tục được điều trị, kiểm soát các nguồn nhiễm trùng vào người bệnh, Vnexpress đưa tin.
Các bác sĩ đang nuôi cấy virus để khẳng định bệnh nhân không còn nCoV. Khi khẳng định âm tính, bệnh nhân mới được chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy, chuẩn bị ghép phổi.
Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh nghiên cứu các văn bản pháp lý, xác định chi phí điều trị, chi phí ghép để tìm kiếm nguồn tài trợ. Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị tiếp nhận điều trị, hồi sức cho người bệnh; chuẩn bị ghép khi đủ điều kiện. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tìm kiếm nguồn cho tạng và chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị phục vụ ghép.
Nguồn phổi có thể từ người hiến tặng đã chết não hoặc người cho còn sống, song phải tương thích. Vài ngày trước, một người chết não đã hiến phổi phù hợp bệnh nhân, song lá phổi hiến tặng có tình trạng nhiễm trùng nên không sử dụng được.
Bệnh nhân phi công người Anh, 43 tuổi, đang là ca nặng nhất. Anh điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, sức khỏe thất thường, mắc hội chứng "bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng thái quá, rối loạn đông máu.