Bệnh nhân tiểu đường nhập viện tăng đột biến sau Tết, nhiều ca biến chứng nặng

22-02-2019 07:04:31

Sinh hoạt và ăn uống trong những ngày nghỉ Tết là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân tiểu đường gặp biến chứng nặng. Đã có trường hợp bệnh nhân phải cắt cụt cẳng chân do biến chứng.

Bệnh nhân tiểu đường "lao đao" sau Tết


Bác sĩ đang khám cho một bệnh nhân tiểu đường điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong những tuần đầu sau Tết, các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội đều trong tình trạng quá tải. Tại bệnh viện Nội tiết Trung ương, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng đột biến. Nguyên nhân là do những ngày Tết, người dân mải lo Tết nên dẫu có bệnh cũng cố chờ đến sau Tết mới đi khám. Bên cạnh đó, do thói quen sinh hoạt, tập luyện đảo lộn, tâm lý vui chơi hết mình, ăn uống không điều độ trong ngày Tết khiến nhiều bệnh nhân hết Tết cũng lao đao. 

Tại khoa Điều trị Tích cực, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu do các biến chứng về đái tháo đường tăng mạnh. Chỉ trong tuần đầu làm việc sau Tết, phần lớn giường bệnh của khoa đã kín bệnh nhân, trong khi số bệnh nhân từ các nơi khác vẫn tiếp tục được chuyển về. Phần lớn đều là những ca rất nặng với các biến chứng nghiêm trọng như biến chứng về gan thận, nhiễm trùng, đặc biệt các biên chứng hoại tử chi, có khả năng phải cắt bỏ.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng Khoa Chăm sóc bàn chân - Bệnh viện Nội tiết Tw cho biết trong những ngày vừa qua, khoa đều tiếp nhận lượng bệnh nhân đông hơn hẳn so với ngày thường đồng thời cũng tăng hơn thời điêm này các năm trước.

Đặc biệt, sự gia tăng các ca nhập viện do biến chứng bàn chân tăng nặng là rất đáng báo động, với nguy cơ cắt cụt chi rất cao. Do đã dự đoán trước tình hình, bệnh viện Nội tiết Trung ương chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế. Vì vậy, các bệnh nhân được tiếp đón, chữa trị chu đáo, tình trạng bệnh tiến triển tốt.

Có bệnh cũng kiêng khám dịp Tết


Một bệnh nhân phải cắt cụt một phần cơ thể vì biến chứng tiểu đường.

Khi được hỏi, nhiều bệnh nhân cho rằng, do tâm lý kiêng khám bệnh trong Tết nên cố gắng giữ ở nhà. Hơn nữa, Tết là dịp sum họp nên đôi khi việc ăn uống, thói quen uống – tiêm thuốc bị đảo lộn, thời gian nghỉ kéo dài, không kịp thời đến viện để điều trị, thêm vào đó các va chạm giao thông cũng xảy ra thường xuyên dễ ảnh hưởng xấu đén các bệnh nhân vốn đang có những biến chứng của đái tháo đường. 

Bệnh nhân Nguyễn Văn T (47 tuổi – Thái Bình) đã phát hiện Đái tháo đường 5 năm. Dịp Tết vừa qua anh xảy ra va chạm xe máy gây ra vết thương ở bàn chân. Anh tự điều trị bằng kháng sinh tại nhà nhưng không đỡ, nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết, bàn cẳng chân Trái hoại tử, chảy dịch hôi, sưng nề. Hiện anh đã được các ....cắt cụt cẳng chân

Bệnh nhân Nguyễn Mạnh H (65 tuổi – Sơn La) mắc đái tháo đường mãn tính. Sau khi điều trị tại bệnh viện Phú Yên, tình trạng bệnh ổn định, bệnh nhân về nhà ăn Tết. Tại nhà, được người thân mách bảo, để chữa chứng tê bì chân tay, ông đã ngâm chân bằng nước lá trầu không. Sau khi ngâm, chân ông xuất hiện tình trạng sưng tấy, loét bàn chân phải, chảy mủ kèm sốt cao 41 độ. Khi vết loét lan rộng, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu.

Theo các bác sĩ đây là những ca bệnh hết sức đáng tiếc. Mặc dù các dịp lễ tết là dịp sum họp, gặp gỡ gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần duy trì thói quen uống thuốc và tập luyện để tình trạng bệnh không tiến triển theo chiều hướng xấu. Đặc biệt, không được sử dụng các bài thuốc gia truyền, truyền miệng chưa được khoa học kiểm chứng kẻo bệnh không đỡ mà còn "tiền mất, tật mang".


Xem thêm clip: Đậu đen rang: Bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường không biết sẽ phải hối tiếc.

Lê Khanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN //