Bệnh nhân 416 diễn biến xấu nhanh, phải chạy ECMO và lọc máu liên tục
Được biết, đây là bệnh nhân thứ 3 phải sử dụng ECMO trong mùa dịch này, sau bệnh nhân 19 (điều trị tại Hà Nội), bệnh nhân 91 (điều trị tại TP.HCM).
Bệnh nhân 416 phải sử dụng ECMO và lọc máu liên tục. Ảnh minh họa
Thông tin từ Tiểu Ban Điều tri, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, ngày 25/7, bệnh nhân mắc Covid-19 số 416 (nam, 57 tuổi, trú tại Đà Nẵng) đang điều trị tại Bệnh viện Thành phố Đà Nẵng bệnh diễn biến xấu rất nhanh.
Do đó, bệnh nhân được chạy ECMO, lọc máu liên tục lần 2. Hiện phổi thông khí tạm thời. Bệnh nhân hiện được chỉ định dùng thuốc an thần, kháng sinh, kháng virus, tăng cường miễn dịch, nuôi ăn qua sonde, lọc máu liên tục… Được biết, đây là bệnh nhân thứ 3 phải sử dụng ECMO trong mùa dịch này, sau bệnh nhân 19 (điều trị tại Hà Nội), bệnh nhân 91 (điều trị tại TP.HCM).
Trong cùng ngày, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, tổ hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng đã có cuộc hội chẩn lần thứ nhất để tìm biện pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng bệnh nhân sẽ tiếp tục thở máy và chạy ECMO trong thời gian dài.
Trao đổi với Vietnamnet, một chuyên gia trong hội đồng cho hay, bệnh nhân ban đầu có biểu hiện tím nhẹ ở đầu chi, có biến chứng nặng của hội chứng suy hô hấp tiến triển do mắc hội chứng "cơn bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Ngoài ra, phổi bệnh nhân cũng có tình trạng đông đặc. Diễn tiến bệnh nhân 416 tương tự như bệnh nhân 91, phi công người Anh trước đó.
Chiều ngày 25/7, đội phản ứng nhanh tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, ekip từng điều trị cho bệnh nhân 91 đã có mặt tại Đà Nẵng, trực tiếp hỗ trợ việc điều trị cho bệnh nhân 416.. Đặc biệt trong ê kíp hồi sức gồm có BS Trần Thanh Linh-Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy - đây là người đã có kinh nghiệm trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19 số 91 phải chạy ECMO trong thời gian dài.
ECMO là kỹ thuật trao đổi ôxy qua màng ngoài cơ thể được chỉ định cho những trường hợp thiếu ôxy nặng, dai dẳng, thất bại với các biện pháp điều trị thông thường. Kỹ thuật này được áp dụng cho những trường hợp suy hô hấp ở mức độ nặng.
Đây là một trong những kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể, máu sẽ được đưa ra khỏi cơ thể bệnh nhân và chạy qua một hệ thống máy có màng lọc sau đó trả về cho người bệnh.
Phương pháp ECMO được sử dụng cho những bệnh nhân bị suy hô hấp cấp nặng không đáp ứng với việc hỗ trợ thở máy. Hệ thống máy sẽ thay thế chức năng của phổi trong những trường hợp bệnh nhân suy hô hấp.
Liên quan đến ca bệnh này, sáng ngày 25/7, tại cuộc họp Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngay khi ghi nhận thông tin về trường hợp bệnh nhân tại Đà Nẵng dù đang chờ các kết quả xét nghiệm khẳng định, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai và kích hoạt nhiều hoạt động như đối với trường hợp dương tính.
Bộ Y tế đã cử ngay đoàn công tác do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị dẫn đầu vào chỉ đạo công tác điều tra, giám sát, điều trị và phòng chống dịch tại Đà Nẵng.
Theo đó, Sở Y tế Đà Nẵng thực hiện lập danh sách, điều tra, xét nghiệm toàn bộ những người tiếp xúc gần với bệnh nhân tại bệnh viện, gia đình, những nơi bệnh nhân đã tới dự tiệc; Khoanh vùng, cách ly ổ dịch tại quận Liên Chiểu, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng.