Bé trai ở Hà Nội bất tỉnh, sốc phản vệ nguy kịch sau khi ăn hamburger
Sau khi ăn một chiếc hamburger tại buổi sinh nhật, bé trai nổi phát ban khắp người, khó thở rồi nhanh chóng rơi vào trạng thái sốc phản vệ nguy kịch, bất tỉnh.
Ảnh minh họa
Ngày 5/12, theo thông tin trên Zing, tiến sĩ Lê Quỳnh Chi, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết về một trường hợp bệnh nhi nhập viện cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch do sốc phản vệ sau khi ăn một chiếc hamburger.
Theo thông tin từ gia đình, cách đây một tuần, sau khi ăn một chiếc hamburger tại buổi sinh nhật, bé nổi phát ban khắp người, khó thở rồi nhanh chóng rơi vào trạng thái sốc phản vệ, bất tỉnh nên người nhà đã nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện cấp cứu.
Người nhà cũng cho hay, bệnh nhi bị dị ứng bột mỳ từ bé nhưng chưa từng được đi khám. Thay vào đó, gia đình tự cho con tập ăn từng chút bột mỳ để cơ thể con quen dần. Sau đó, thấy bé bình thường khi ăn hết nửa ổ bánh mỳ, gia đình nghĩ con đã hết dị ứng.
Thời điểm được chuyển tới bệnh viện, tình trạng bệnh nhi rất nguy kịch, các bác sĩ lập tức cấp cứu bằng phác đồ sốc phản vệ. May mắn, nhờ đến viện kịp thời nên cháu bé đã khỏi sau một tuần, không phải lọc máu.
Theo thông tin trên ĐS&PL, tiến sĩ Chi cho biết, toàn cầu hiện có khoảng 220-250 triệu người bị dị ứng thức ăn. Khoảng 5-8% trẻ em bị dị ứng thức ăn, trong khi tỷ lệ này ở người lớn chỉ 1-2%.
Đặc điểm lâm sàng dị ứng thức ăn rất đa dạng. Cụ thể, trẻ có biểu nhẹ ở ngoài da, niêm mạc, hô hấp, bị dị ứng toàn thân và sốc phản vệ. Trong đó, sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất, nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong trong vòng vài phút.
Dị ứng thức ăn thường xảy ra trên cơ địa mẫn cảm, có tính di truyền. TS Chi khuyến cáo, ngay khi phát hiện con có dấu hiệu dị ứng, cha mẹ đưa đến khám tại các chuyên khoa dị ứng để được tư vấn, điều trị. Điều này giúp trẻ giảm dị ứng, không cần kiêng khem quá mức.
Bên cạnh đó, cha mẹ không tự ý cho trẻ tập ăn đồ ăn trẻ bị dị ứng. Để giải mẫn cảm cần phải có phác đồ cụ thể. Việc ăn bao nhiêu, ăn khi nào cần được bác sĩ thăm khám, đánh giá chi tiết, sau đó xét nghiệm lại kháng thể IgE đặc hiệu trong máu, từ đó mới điều chỉnh tăng hay giảm liều.
Ngoài ra, đối với với trẻ có cơ địa dị ứng, cha mẹ cần dự phòng ít nhất 1-2 bút tiêm Adrenaline trong nhà hoặc để trẻ mang theo khi đi học, đi chơi xa nhà. Khi trẻ bị sốc phản vệ, cần tiêm ngay 1-2 mũi Aderaline rồi nhanh chóng chuyển đến bệnh viện cấp cứu, tránh nguy cơ tử vong.