Bé trai nhiễm trùng nặng sau khi đắp thuốc nam chữa bỏng
Bé trai vô tình cho cả hai chân vào chậu nước sôi vừa rót ra chậu, gia đình không đưa con đi bệnh viện điều trị mà tự điều trị tại nhà bằng đắp thuốc nam khiến chân của bé nhiễm trùng nặng.
Cháu bé nhập viện điều trị. Ảnh: Dân trí
Ngày 24/11, Dân trí đưa tin về trường hợp bé trai 17 tháng tuổi (trú tại Yên Bái) bị nhiễm trùng nặng hai chân, nguy cơ nhiễm trùng huyết do người nhà tự ý dùng thuốc nam đắp điều trị bỏng cho cháu bé.
Theo lời kể của gia đình, trước đó 6 ngày, bé vô tình cho cả hai chân vào chậu nước sôi vừa rót ra chậu. Tuy nhiên, gia đình không đưa con đi bệnh viện điều trị mà tự điều trị tại nhà bằng đắp thuốc nam. Sau 6 ngày đắp thuốc, 2 bàn chân bé trai bị nhiễm trùng nặng nên được người nhà đưa đến một bệnh viện tư nhân tại Phú Thọ.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhi quấy khóc, vùng bỏng 2 bàn chân sưng nề chảy dịch đục, trợt da, từ cổ chân đến các ngón chân da bẩn, nhựa lá cây dính bết vào vết bỏng, hai bàn chân nhiễm trùng nặng, cử động cổ chân hạn chế. Các bác sĩ đã nhanh chóng sát khuẩn chuyển phẫu thuật làm sạch vết thương, dùng thuốc giảm đau, chống sốc cho bệnh nhi.
Qua thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán bị bỏng ở mức độ II, III. Các bác sĩ nhận định do không được điều trị đúng cách nên bệnh nhi bị nhiễm trùng nặng hai bàn chân, nguy cơ nhiễm trùng huyết và có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào. Hiện tại bệnh nhi đang được chăm sóc và theo dõi tại khoa Chấn thương chỉnh hình.
Hai chân của bé trai nhiễm trùng nặng. Ảnh: Dân trí
Trước đó, Zing dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết về trường hợp cháu Đ.N.A. (13 tháng tuổi, trú tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An) bị nhiễm trùng nặng, hoại tử do đắp thuốc lá chữa bỏng tại nhà.
Cụ thể, mẹ bé cho hay, trong lúc chơi đùa bé không may bị nước sôi đổ vào người. Phát hiện sự việc, mẹ bé cùng người thân đã vội ngâm bé A. vào chậu nước lạnh để hạ nhiệt độ. Sau khi cởi chiếc áo len bé mặc trong người ra, mẹ bé mới hoảng hốt phát hiện cả vùng bụng, ngực của con trai bị đỏ tấy, da bong tróc.
Dự tính sẽ đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu nhưng một số người thân lúc đó đã giới thiệu và khuyên mẹ bé đưa con tới một thầy lang có tiếng chữa bỏng ở gần nhà. Thấy người dân tin tưởng, tìm đến vị thầy lang này chữa bỏng nhiều, hơn nữa, người này cũng xuất trình giấy chứng nhận, đồng thời cam kết chắc chắn sẽ làm lành vết thương nên mẹ bé quyết định để con trai chữa trị tại đây.
Bé A. được vị thầy lang này chữa bỏng bằng cách đắp thuốc vào vết thương. Lúc này bé chơi ngoan, không còn khóc nhiều. Tuy nhiên, đến ngày thứ 3 điều trị, bé A. bắt đầu xuất hiện tình trạng môi đỏ thâm, sốt cao và tiêu chảy.
Quá lo lắng, mẹ bé đã vội đưa con vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khám và điều trị. Thời điểm nhập viện, bé A. trong tình trạng vết bỏng bị sưng nề, chảy dịch đục, vùng cổ, ngực, bụng, cẳng tay phải bị phồng rộp nước, có phần hoại tử đen kèm theo chảy mủ hôi, nhiễm trùng nặng.
Qua thăm khám, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi hoại tử bỏng sâu độ 3, độ 4 do bỏng nước sôi, kết hợp với nhiễm trùng do bôi thuốc lá tạo màng gây tăng thêm độ sâu cho vết thương. Bệnh nhi được cho sử dụng kháng sinh liều cao và ghép da 2 lần khi sức khỏe ổn định. Sau gần một tháng điều trị, bé A. đã dần bình phục.
Các bác sĩ khuyến cáo khi bị bỏng, trước tiên cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, xả vết bỏng dưới vòi nước mát ít nhất 15 phút (tuyệt đối không dùng đá, tránh gây bỏng lạnh). Việc hạ nhiệt vùng bỏng sẽ giảm sưng, giảm độ sâu của vết thương, giảm nguy cơ gây sốc cho nạn nhân. Nếu có bọng nước, kết vảy, không nên bóc vì dễ gây nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn.
Ngoài ra, tuyệt đối không xoa dầu, bôi kem đánh răng, trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng. Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện để được khám bệnh và điều trị, tránh các biến chứng.