Bé trai 3 tuổi bị chó đẻ hàng xóm cắn thủng khí quản
Con chó đẻ hung dữ liên tiếp lao vào tấn công khiến bé trai 3 tuổi phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng chấn thương nặng.
Bệnh nhi đang được cấp cứu, điều trị tại BV Tai - Mũi - Họng TƯ
Ngày 19/4, BV Tai - Mũi - Họng TƯ cho biết, bệnh nhi Nguyễn Đ.D (3 tuổi, Đồng Nai) nhập viện sáng nay (19/4) trong tình trạng khó thở, bệnh nhân vẫn tỉnh, da, niêm mạc hồng.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước đó 12 tiếng, cháu D. có sang nhà hàng xóm chơi, thấy đàn chó con đáng yêu bèn bế lên chơi. Không ngờ, chó mẹ thấy vậy xông ra cắn vào tay khiến D. ngã ngửa. Chưa dừng lại, con chó đẻ hung dữ tiếp tục lao vào cắn vào cổ khiến bé trai chảy máu cổ.
Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân có chảy máu vết cắn, bị phì khí - máu qua vết cắn, khóc khàn, khó thở nhẹ. Bệnh nhi được người nhà đưa vào BV Nhi Thanh Hóa và được các bác sĩ sơ cứu, chụp CT kết quả thấy vết thương đã vào khí quản, sau đó tình trạng khó thở tăng lên và bệnh nhân được chuyển ra Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Các bác sĩ đã phải mổ cấp cứu, mở khí quản cho bệnh nhân.
Trước đó, một bé trai 4 tuổi ở Hà Tĩnh cũng bị chó lao vào cắn lóc da đầu, tổn thương mắt. Theo lời kể của người nhà, bé chơi trước sân, đụng phải chó becgie nhà nuôi và bị con vật quay lại tấn công.
"Bệnh nhân bị chấn thương phần mềm vùng mặt và mắt, trong đó có vết thương lóc da đầu dài hơn 10 cm. Ê kíp trực phải phối hợp nhiều chuyên khoa mới khâu được liền các vết thương", bác sĩ Lê Ngọc Thắng - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh nói.
Hiện tình trạng bé đã ổn định và được người nhà chuyển về BV nội trú để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo, các gia đình nuôi chó mèo cần có ý thức trông giữ vật nuôi, tránh thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Sau khi bị chó cắn, việc đầu tiên cần làm là vệ sinh vết thương, bao gồm: rửa vết thương bằng nước thường, tốt nhất là rửa trôi dưới vòi nước chảy. Sau đó rửa vết thương bằng xà phòng. Bởi xà phòng có thể làm rửa trôi vết bẩn và làm tan một phần virus. Tiếp tục bôi cồn i-ốt vào vết thương để sát khuẩn, nếu không có cồn có thể dùng rượu trắng. Sau khi bị chó nghi bị dại cắn, nạn nhân cần đi tiêm phòng vắc xin dại càng sớm càng tốt mà không cần phải theo dõi con vật. Nếu vết máu gần vị trí thần kinh trung ương thì phải tiêm cả huyết thanh kháng dại càng nhanh càng tốt |