Bé sơ sinh toàn thân phủ lớp sừng trắng hiện giờ ra sao?
Bé sơ sinh ở Quảng Ninh toàn thân phủ một lớp dày màu trắng đục, rạn nứt thành từng mảng do mắc chứng da vảy cá bẩm sinh. Lớp da dày làm co kéo, gây đau đớn và biến dạng khuôn mặt của bé.
Bé sơ sinh mắc bệnh da vảy cá bẩm sinh hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Ảnh: VNExpress
Ngày 12/10, bác sĩ Đỗ Mạnh Hà - Khoa sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho VNExpress biết, sau hơn một tuần chào đời, bé sơ sinh mắc bệnh da vảy cá bẩm sinh đã tự ăn, tự thở. Tuy nhiên, các bác sĩ tiên lượng tình trạng bé nặng, những mảng da bị sừng hóa đang bong dần, gây tổn thương hơn.
Đặc biệt, các ngón chân, ngón tay đang có dấu hiệu sạm đen đi do tưới máu kém, bé gặp vấn đề với cử động ngón tay, ngón chân. Bé được điều trị theo phương pháp dưỡng ẩm, chống nhiễm khuẩn, chống hạ thân nhiệt, kháng sinh toàn da và dinh dưỡng đầy đủ để phát triển cân nặng. Các bác sĩ dự kiến chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội điều trị tiếp.
Theo bác sĩ Hà, thông thường, sau một tháng điều trị, lớp sừng hóa trên da sẽ ổn định, chỉ hơi khô. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hà, bé trai này nguy cơ nhiễm trùng da, thân nhiệt nóng do lớp vảy cản trở quá trình tiết mồ hôi...
Trước đó, thông tin từ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho một trẻ sinh non toàn thân phủ một lớp dày trắng đục, rạn nứt thành từng mảng do mắc chứng da vảy cá bẩm sinh.
Theo các bác sĩ, lớp da dày làm co kéo và biến dạng khuôn mặt của bé. Da vùng quanh mắt, miệng bị kéo căng khiến cho niêm mạc màu đỏ vùng mí mắt, môi bị lộ rõ ra ngoài trong khi bình thường niêm mạc này chỉ nằm bên dưới lớp da. Tại bệnh viện, bé được chẩn đoán mắc bệnh da vảy cá bẩm sinh (Harlerquin Ichthyosis), thể nặng nhất trong 9 thể của bệnh lý này.
Mẹ của bệnh nhi (27 tuổi, là phụ nữ dân tộc Dao) cho biết, trong quá trình mang thai lần này, chị không khám, theo dõi thai và xét nghiệm sàng lọc nên khi sinh con ra mới biết con mắc bệnh.