Bé sinh non chỉ nặng 1,1 kg lại bị tim bẩm sinh được cứu sống thần kỳ
Theo các chuyên gia sản khoa, các em bé sinh non dưới 32 tuần thường đối diện với ba nguy hiểm lúc chào đời là hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, suy hô hấp.
Bé sinh non ở tuần 31 bị tim bẩm sinh rất nặng
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết ekip các bác sĩ khoa Phụ sản và khoa Nhi của bệnh viện vừa cấp cứu kịp thời và nuôi dưỡng thành công một bé gái sinh non, chỉ nặng 1,1kg.
Theo đó, bé gái chào đời ở tuần thai thứ 31, bé sinh non cộng với bệnh lý tim bẩm sinh nặng nên có hệ thống hô hấp rất yếu ớt. Sau sinh bé khóc yếu, suy hô hấp nặng, tím toàn thân, phản xả yếu
Theo các bác sĩ chuyên khoa, trẻ sinh non dưới 32 tuần thường đối diện với ba nguy hiểm lúc chào đời là hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, suy hô hấp. Vì vậy, ngay khi bé vừa chào đời, các bác sĩ nhi sơ sinh có mặt để đặt nội khí quản, hỗ trợ bóp bóng liên tục giúp phổi bé không bị xẹp và ngay lập tức được chuyển về điều trị tích cực tại Nhi sơ sinh.
Bé được chăm sóc đặc biệt tại Khu điều trị nhi sơ sinh
Tại đây, bé được các bác sĩ khoa Nhi theo dõi và chăm sóc đặc biệt, nằm Wamer để giữ ấm, đặt nội khí quản, cho thở máy, đặt tĩnh mạch rốn, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch kết hợp dùng thuốc kháng sinh. Sau 1 tuần bé dần tự thở được và bắt đầu ăn được sữa.
Gia đình cho biết, mẹ của bé đã khám sàng lọc trước sinh tại các Bệnh viện sản khoa lớn tại Tp.HCM và Đà Nẵng phát hiện thai nhi bị bệnh lý tim bẩm sinh nặng (Thiểu sản thất trái/ đảo đoạn đại động mạch). Đối với những trường hợp như trên các bác sĩ nhận định tỷ lệ sống khá thấp.
Tuy nhiên, được sự phối hợp và điều trị tích cực của các bác sĩ 2 khoa Sản và khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, sau 15 ngày được nuôi dưỡng và chăm sóc tích cực bé đã dần ổn định, không còn phải thở oxy, bé tự bú được đủ lượng sữa theo nhu cầu và cân nặng đã đạt 1,5kg..
Các nguyên nhân gây sinh non
Sinh non được hiểu là khi em bé chào đời quá sớm. Khi mẹ bầu lâm bồn và sinh ra em bé trong khoảng thời gian từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 37 của thai kỳ thì được gọi là sinh non. Mẹ bầu cần tìm hiểu các nguyên nhân dọa sinh non để phòng tránh tốt nhất có thể.
Trẻ sinh non có thể gặp phải một số rủi ro nhất định bởi vì các bé được sinh ra quá sớm có thể không được phát triển đầy đủ. Em bé sinh sớm thường phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bại não, thường kéo dài suốt đời. Các vấn đề khác, chẳng hạn như khiếm khuyết về nhận thức, có thể xuất hiện muộn hơn khi bé bắt đầu vào mầm non hoặc thậm chí trễ hơn khi đến tuổi trưởng thành.
Nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe là cao nhất đối với em bé sinh ra trước tuần thai thứ 34. Tuy nhiên, các bé sinh ra trong khoảng 34 đến 37 tuần mang thai cũng có nguy cơ nhất định.
Những yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ sinh non, bao gồm: Sản phụ đã có tiền sử sinh con sớm; Có cổ tử cung ngắn là nguyên nhân dọa sinh non; Khoảng thời gian giữa hai lần mang thai quá ngắn;
Đã từng thực hiện phẫu thuật trên tử cung hoặc cổ tử cung; Một số rối loạn khi mang thai, chẳng hạn như mang đa thai hoặc chảy máu âm đạo; Các yếu tố về lối sống như ít vận động, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thường xuyên căng thẳng và lạm dụng chất gây nghiện (hút thuốc, uống rượu) khi mang thai.