Bé 5 tuổi bị viêm não - màng não do nhiễm giun đũa từ chó, mèo
Các bác sỹ Khoa Bệnh Nhiệt đới Trung tâm Sản Nhi, BV ĐK tỉnh Phú Thọ vừa điều trị thành công cho một bệnh nhi 5 tuổi bị viêm não - màng não do nhiễm giun đũa chó, mèo.
Bé 5 tuổi bị viêm não - màng não do nhiễm giun đũa của chó, mèo. Ảnh minh họa mô phỏng Hình ảnh mô phỏng chu kỳ phát triển của giun đũa của chó mèo và quá trình lây nhiễm cho con người. Ảnh Dân Trí.
Theo thông tin, Bệnh nhi N.D.Đ (trú tại Xuân Huy, Lâm Thao, Phú Thọ) nhập viện trong tình tình trạng sốt cao, nôn nhiều và đau đầu vùng trán đỉnh. Các bác sỹ Trung tâm Sản Nhi qua thăm khám lâm sàng, đánh giá bệnh nhân có Hội chứng não – màng não.
Tại kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng tăng bạch cầu ái toan, dương tính với giun đũa chó mèo và sán lá gan lớn. Bệnh nhi đã được chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI) và thực hiện chọc dò dịch não tủy làm xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm não - màng não.
Bác sĩ Bùi Thị Đến, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Sản Nhi nhận định, sau khi có kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy tình trạng biến đổi dịch não tủy, cháu bé sẽ được áp dụng phác đồ điều trị tích cực bằng kháng sinh kết hợp thuốc tẩy giun.
Kết quả sau khoảng 3 tuần điều trị cho thấy, tình trạng sức khỏe bệnh nhi ổn định, xét nghiệm cho kết quả chỉ số bạch cầu ái toan trong máu giảm, xét nghiệm dịch não tủy bình thường nên được cho xuất viện.
Ngoài ra, theo thông tin thêm từ Vinmec, sán chó mèo hay giun đũa chó, mèo hay còn gọi là Toxocara ký sinh trong ruột non của chó, gặp ở 80% chó vùng nhiệt đới và 17 - 20% chó ở vùng ôn đới.
Giun trưởng thành sống trong ruột non chó con dưới 3 đến 6 tháng tuổi; mỗi ngày giun đẻ khoảng 200.000 trứng, trứng giun theo phân chó ra ngoài và có thể sống ở ngoại cảnh nhiều tháng; khi chó lớn hơn, do cơ chế miễn dịch, giun trong ruột sẽ bị đẩy ra ngoài. Nếu chó con nuốt trứng giun, một số ấu trùng lên phổi và phát triển thành giun trưởng thành ở ruột non, một số khác tiếp tục di chuyển trong các cơ quan nội tạng. Khi chó lớn lên và có thai, ấu trùng chui qua lá nhau, nhiễm vào bào thai, hoặc vào tuyến vú gây nhiễm cho chó con khi chúng bú mẹ.
Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm giun sán từ chó mèo, các chuyên gia khuyến cáo, luôn phải vệ sinh chuồng trại chó mèo thật sạch sẽ. Ngoài ra, ấu trùng giun còn có thể có trong thịt chó, mèo. Người bệnh ăn phải thịt chó, mèo chưa chế biến kỹ có thể sẽ bị lây bệnh.
Sau khi trứng vào cơ thể người, các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột, theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, mắt, hệ thần kinh trung ương.
Người dân không nên cho trẻ chơi ở những nơi có phân chó mèo hoặc những động vật khác; dạy cho trẻ em về sự nguy hại khi ăn thức ăn bẩn; xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn; không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch hoặc thịt chó, mèo chưa nấu chín; tẩy giun cho chó, mèo thường xuyên.
Các bác sỹ thông tin, khi xuất hiện các triệu chứng gợi ý mắc bệnh nhiễm ký sinh trùng, người dân cần đến khám tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện để xét nghiệm chẩn đoán, điều trị theo hướng dẫn của các bác sỹ chuyên khoa.