Bắt 'nữ quái' cho vay 1,6 tỷ đồng nhưng lấy lãi gần 3 tỷ đồng sau hơn hai năm

28-07-2022 15:56:52

Do có nhu cầu nên chị H. đã vay của Nga số tiền 1,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, hơn 2 năm, tổng số tiền lãi vay mà Nga đã nhận từ chị H. là gần 3 tỷ đồng.

Sự kiện:
Quảng Bình

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Ba Đồn thực hiện Lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của Tạ Thị Kiều Nga. Ảnh: Báo Công an nhân dân

Ngày 28/7, Công an thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) cho biết, đơn vị đã bắt đối tượng Tạ Thị Kiều Nga (40 tuổi, trú tại Khu phố 6, phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Theo kết quả điều tra ban đầu, trong khoảng thời gian từ 20/4/2019 đến ngày 20/7/2021, chị Võ.T.H. (trú tại xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã vay của Nga số tiền 1.600.000.000 đồng. Đáng chú ý, trong thời gian từ ngày 20/4/2019 đến nay, tổng số tiền lãi vay mà Nga đã nhận từ chị Võ. T.H. là 2.967.400.000 đồng.

Quá trình khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của đối tượng Nga, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Ba Đồn đã thu giữ nhiều tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng. Trong đó, có 1 quyển sổ ghi chép ghi nội dung chị H. mượn tiền của Nga.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Ba Đồn đã ra Quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Tạ Thị Kiều Nga để phục vụ quá trình điều tra, xử lý.

Về mức lãi suất cho vay, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

''1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”

Về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, theo quy định Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 :

''1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.''

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //