Bất ngờ: Phòng ngủ quá yên tĩnh cũng khiến bạn thành "cú đêm"
Mất ngủ khiến cơ thể mệt mỏi và có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, tuy nhiên là có những nguyên nhân gây mất ngủ mà chính người mắc bệnh không ngờ tới.
Mất ngủ có thể do rất nhiều nguyên nhân
Rất nhiều người bị mất ngủ đã áp dụng đủ mọi lời khuyên nhưng tình trạng trên vẫn không được cải thiện. Đó có thể là do những nguyên nhân dưới đây.
Đi ngủ không đều đặn, không đúng giờ
Có ngày bạn thức tới tận 2 giờ sáng. Và bạn nghĩ rằng hôm sau, mình sẽ đi ngủ từ 8h tối để bù lại. Đây là một ý tưởng rất tệ. Và bạn đang làm rối loạn nhịp sinh học của chính mình, bỏ qua yêu cầu nghỉ ngơi của cơ thể khi nó cảm thấy mệt mỏi. Khi không được nghỉ ngơi kịp thời, chúng ta dễ trở nên cáu gắt, cũng như dễ bị kích động.
Ngoài ra, một số nghiên cứu mới đây cho thấy: ngay cả thói quen thay đổi giờ ngủ (ví dụ như thức dậy sớm hơn trong các ngày làm việc giữa tuần, rồi ngủ bù vào dịp cuối tuần) cũng có thể gây ra nhiều vấn đề đối với quá trình trao đổi chất của cơ thể. Điều này có thể dẫn tới các chứng bệnh khác nhau, từ tiểu đường cho tới bệnh tim mạch.
Vì vậy, lời khuyên dành cho tất cả mọi người: hãy luôn cố gắng chợp mắt trong vòng 30 phút trước thời điểm bạn đặt lịch đi ngủ, ngay cả khi bạn chỉ được ngủ vài giờ trong đêm trước đó.
Ăn vặt, ăn đêm không đúng cách
Việc ăn vặt, ăn đêm không đúng cách cũng gây ra chứng mất ngủ. Sẽ tốt hơn nếu để bụng hơi đói trước khi đi ngủ, nhưng điều này có vẻ khó với những người thích ăn đêm. Nếu hấp thụ nhiều protein trước đó, bạn sẽ thấy tỉnh táo, khó ngủ. Chính vì vậy, bạn nên tránh xa protein, và chọn các món ăn dễ tiêu hóa, ví dụ như một chút ngũ cốc.
Món ăn lý tưởng dùng trước khi đi ngủ nên chứa khoảng 250 calo, với 80% là thực phẩm gốc carbohydrates và 20% protein. Nếu muốn dễ ngủ hơn, bạn có thể ăn quả anh đào (cherry) có chứa chất gây buồn ngủ melatonin; hoặc quả kiwi có chứa chất serotonin giúp điều hòa giấc ngủ.
Sử dụng nhiều thuốc tăng cường sinh lực và Vitamin
Vitamin B rất tốt cho giấc ngủ nói chung, nhưng lại không phù hợp để sử dụng vào buổi tối, bởi nó có xu hướng khiến người dùng sản sinh ra nhiều năng lượng hơn. Vitamin D cũng tương tự, do đó bạn chỉ nên sử dụng 2 loại vitamin này vào buổi sáng.
Mặt khác, một số loại thuốc có thể gây kích thích hệ thần kinh (hoặc chứa caffein ức chế cảm giác buồn ngủ), và bạn nên đọc kỹ thành phần của thuốc trước khi sử dụng.
Nhiệt độ phòng ngủ không đủ mát mẻ
Vào mùa đông, mọi người thường có xu hướng cố giữ ấm cơ thể bằng đủ loại chăn, đệm, hoặc thiết bị sưởi. Tuy nhiên, nhiệt độ mát mẻ một chút sẽ tốt hơn cho giấc ngủ.
Một số chuyên gia khẳng định, nhiệt độ mát vừa phải giúp chúng ta buồn ngủ và ngủ sâu giấc. Nhiệt độ môi trường xung quanh lý tưởng cho giấc ngủ là khoảng 20 – 22 độ C.
“Dán mắt” vào màn hình quá nhiều
Ánh sáng xanh (phát ra từ màn hình các thiết bị như điện thoại hay máy tính xách tay…) kìm hãm sự sản sinh chất melatomin – một hormone nội sinh tối quan trọng trong việc đảm bảo chúng ta ngủ ngon giấc và tỉnh táo khi thức dậy.
Điều này còn phụ thuộc vào khoảng cách giữa mắt và màn hình, cũng như bạn nhìn vào nó trong bao lâu. Đọc một email ngắn gọn sẽ chưa gây ra vấn đề gì nghiêm trọng, nhưng sử dụng liên tục 30 phút trước khi đi ngủ thì lại là chuyện khác.
Nghiên cứu của một tạp chí uy tín cho thấy: những người sử dụng điện thoại di động liên tục sau 9 giờ tối sẽ ngủ ít hơn, và làm việc kém hiệu quả hơn vào ngày hôm sau.
Tập thể dục quá muộn
Mọi người tập thể dục thường vì 2 mục đích: tìm cách thư giãn hoặc rèn luyện cơ thể. Tuy nhiên, tất cả đều không tốt nếu tập luyện quá sát giờ đi ngủ. Tốt nhất, hãy vận động nhẹ nhàng trước khi đi ngủ khoảng 3 giờ đồng hồ.
Phòng ngủ quá yên tĩnh
Càng yên lặng, thính giác của bạn càng nhạy cảm với các tiếng động và có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Vì vậy, phòng ngủ quá yên tĩnh thực ra không phải là một ý hay. Nghiên cứu thực tế cho thấy có tới 70% người cho biết họ ngủ ngon hơn khi nghe "tiếng ồn" ở tần số phù hợp, chứ không phải im ắng hoàn toàn.