Bão và áp thấp nhiệt đới cùng xuất hiện trên biển Đông

22-07-2017 21:49:15

Ngày 22/7, trên biển Đông đồng thời xuất hiện một cơn bão mới trong khi áp thấp nhiệt đới vẫn còn trên biển Đông.

Theo trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, chiều ngày 22/7, một áp thâp nhiệt đới ở khu vực Đông Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 3 và có tên quốc tế là ROKE.

Vào 13 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,0 độ vĩ Bắc; 119,2 độ kinh Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 620 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 9-10.

Dự báo hướng đi của bão và áp thấp. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào đất liền phía Đông Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 13 giờ ngày 23-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,8 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, trên bờ biển phía Đông Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 7-8.

Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm do bão số 3 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, biển động rất mạnh): phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 119,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới đã báo trong 6 giờ qua hầu như ít dịch chuyển.

Hồi 13 giờ ngày 22-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 112,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120 km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 8-9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 23-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 100 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 8-9.

Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật cấp 8-9, biển động mạnh) từ vĩ tuyến 16,50N đến 20,50N; phía Tây kinh tuyến 115,00E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong khi đó, trong sáng 22-7, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã phát đi tin cảnh báo về lũ khẩn cấp trên sông Thao; lũ trên sông chảy, sông Hồng; cảnh báo lũ quét và sạt lở đất khu vực miền Bắc.

Ảnh vệ tinh bão và áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và còn có khả năng mạnh thêm.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có mưa rào và dông, gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; khu vực Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Theo đó, mực nước trên sông Thao tại Lào Cai đang biến đổi chậm, tại Yên Bái và Phú Thọ đang lên chậm; trên sông Hồng tại Hà Nội đang lên nhanh; trên sông Chảy tại Bảo Yên đang xuống chậm.

Vào 6 giờ ngày 22-7, thủy điện Hòa Bình đã mở thêm 1 cửa xả đáy (tổng số mở 3 cửa xả đáy). Lúc 9 giờ ngày 22-7, mực nước trên các sông như sau: sông Thao tại Lào Cai: 80,89 m (trên báo động (BĐ) 1: 0,89 m); Yên Bái: 31,97 m (dưới BĐ3: 0,03 m); tại Phú Thọ: 17,22 m (dưới BĐ1: 0,28 m); sông Hồng tại Hà Nội: 6,85 m (dưới BĐ1: 2,65 m)

Dự báo mực nước trên sông Thao tại Yên Bái sẽ đạt đỉnh và xuống: trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên; trên sông Chảy tại Bảo Yên tiếp tục xuống.

Dự báo trong 12 giờ tới, mực nước trên các sông như sau: Sáng ngày 22-7, mực nước sông Thao tại Yên Bái sẽ duy trì ở mức đỉnh lũ 32,0 m (BĐ3), sau đó xuống mức 31,70 m (trên BĐ2: 0,70 m); tại Lào Cai sẽ xuống mức 80,30 m (trên BĐ1: 0,3 m); tại Phú Thọ lên mức: 17,50 m (mức BĐ1) vào chiều tối ngày 22-7; sông Chảy tại Bảo Yên xuống mức 72,00 m (trên BĐ1: 1,0 m); sông Hồng tại Hà Nội lên mức: 7,20 m (dưới BĐ1: 2,3 m).

Sạt lở núi do mưa lũ kéo dài trên quốc lộ 279 ở tỉnh Điện Biên - Ảnh: VTV

Dự báo trong 24 giờ tới, mực nước trên các sông như sau: sông Thao tại Lào Cai sẽ xuống mức 79,80 m (dưới BĐ1: 0,2 m); tại Yên Bái xuống mức: 1,30 m (trên BĐ2: 0,3 m); tại Phú Thọ xuống mức: 17,20 m (dưới BĐ1: 0,30 m); sông Chảy tại Bảo Yên xuống mức 71,0 m (mức BĐ1); sông Hồng tại Hà Nội lên mức: 7,90 m (dưới BĐ1: 1,6 m)

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp ven sông thuộc tỉnh Yên Bái (đặc biệt tại TP Yên Bái), Phú Thọ (đặc biệt trên địa phận huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ).

Lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các huyện của:

- Tỉnh Lào Cai (nguy cơ cao): Mường Khương, Bảo Yên, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Bảo Thắng, Văn Bàn; TP Lào Cai, Sa Pa;

- Tỉnh Yên Bái (nguy cơ đặc biệt cao): Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Mù Căng Chải;

- Tỉnh Lai Châu (nguy cơ cao): Tân Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Tam Đường, Than Uyên, TP Lai Châu, Nậm Nhùn;

- Tỉnh Sơn La (nguy cơ cao): Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Sông Mã, Sốp Cộp, Mường La, TP Sơn La, Mai Sơn, Bắc Yên, Yên Châu, Vân Hồ;

- Tỉnh Hà Giang (nguy cơ cao): Hoàng Su Phì, Xín Mần, TP Hà Giang, Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang;

- Tỉnh Điện Biên (nguy cơ cao): Mường Nhé, Mường Lay, Tủa Chùa, Mường Chà, Tuần Giáo, Điện Biên, Điện Biên Đông;

- Tỉnh Tuyên Quang (nguy cơ cao): Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên;

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2-3.

Năm nay, Việt Nam sẽ xuất hiện 15 cơn bão. Nguồn: Vnews

Q.N (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //