“Bão” sốt xuất huyết hoành hành, các bệnh viện kêu gọi hiến máu cứu người
Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp với số người mắc bệnh tăng rất nhanh, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt tiểu cầu.
Bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng đột biến
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ đầu năm tới nay cả nước đã có khoảng 60.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong. Riêng 2 tuần cuối tháng 7, có tới 4 bệnh nhân chết vì căn bệnh này.
Số người mắc sốt xuất huyết tăng cao khiến một số bệnh viện bị quá tải. Ảnh Dân Trí
Trong khi đó, số ca mắc bệnh có xu hướng tăng nhanh trên khắp các tỉnh, thành. Loại muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết lại chuyên đẻ trứng trong nguồn nước sạch nên rất khó kiểm soát, nhất là trong mùa mưa.
Trường hợp tử vong do sốt xuất huyết gần đây nhất là một trẻ 8 tuổi ở quận Hà Đông (Hà Nội). Bệnh nhi này được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch và qua đời sau đó không lâu. Đây là bệnh nhân thứ 4 ở Hà Nội và cũng là bệnh nhân thứ 18 trong cả nước tử vong do sốt xuất huyết.
Ghi nhận tại Bệnh viện E, mỗi ngày các bác sĩ khám cho hơn 80 người dân mắc sốt xuất huyết, trong đó có từ 25-30 trường hợp phải nhập viện theo dõi điều trị. Số người mắc sốt xuất huyết chủ yếu sống ở quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm (Hà Nội)…
Những ngày này, toàn bộ nguồn nhân lực của khoa Bệnh nhiệt đới đều tập trung vào khám chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Được biết cách đây 3 tháng đã có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện, nhưng mấy ngày gần đây, cao điểm ngày 24/7, người mắc sốt xuất huyết điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới lên đến 80 người.
Trong số bệnh nhân bị bệnh sốt xuất huyết có không ít trẻ nhỏ. Ảnh Tuổi Trẻ
Trao đổi với báo chí, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Nếu tính tỷ lệ mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân ở nước ta thì có xu hướng giảm và thấp hơn so với một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, dịch sốt xuất huyết năm nay bùng phát mạnh và tập trung ở 10 tỉnh thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, trong đó Hà Nội có số ca mắc dẫn đầu miền Bắc và đứng thứ 3 trong cả nước.
Nguy cơ khan hiếm máu truyền cho bệnh nhân
Số người bị sốt xuất huyết tăng nhanh chóng mặt như hiện nay có thể dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn tiểu cầu truyền cho bệnh nhân. Trước tình hình này, các bệnh viện đang ra sức vận động người dân tích cực hiến máu.
Tiến sĩ Lê Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết tiểu cầu là một trong những tế bào máu có chức năng cầm máu. Tiểu cầu được sử dụng để truyền cho một số bệnh nhân sốt xuất huyết, bệnh nhân mắc những bệnh lý gây giảm tiểu cầu, trường hợp phẫu thuật, sản khoa, người bị ung thư máu, rối loạn đông máu, suy tủy...
Bệnh viện kêu gọi hiến máu phòng tình trạng thiếu tiểu cầu vì dịch sốt xuất huyết. Ảnh VnExpress
Theo bác sĩ Oanh, sốt xuất huyết đang tăng nhanh, số lượng tiểu cầu cần cho điều trị bệnh nhân có thể sẽ tăng. Tuy nhiên, bác sĩ Oanh phủ nhận thông tin cho rằng Bệnh viện Chợ Rẫy đang khan hiếm trầm trọng tiểu cầu nên mới gọi người dân hiến máu. Thay vào đó, đây là cách để tránh tình trạng thiếu hụt tiểu cầu nếu dịch sốt xuất huyết tiếp tục bùng phát mạnh mẽ và kéo dài.
"Thời gian sống của tiểu cầu trong cơ thể là 7-10 ngày, khi lấy ra ngoài bảo quản chỉ sống được 5 ngày. Do đó việc vận động nguồn hiến phải trên cơ sở cân bằng động, không dư thừa gây lãng phí nhưng cũng không để thiếu hụt", bác sĩ Oanh nói.
Do đó, để tránh tình trạng thiếu hụt tiểu cầu, Bệnh viện Chợ Rẫy đang vận động người dân đăng ký hiến tiểu cầu thường xuyên. Hiện mỗi ngày bệnh viện dự trữ khoảng 50-70 đơn vị tiểu cầu.
Bài thuốc trị sốt xuất huyết cho trẻ mẹ cần biết