Bão số 13 có thể quét dọc tuyến biển từ Quảng Ngãi đến Thanh Hóa, hàng vạn dân phải sơ tán
Bão số 13 Vamco hướng di chuyển không ổn định, khó dự báo chính xác về khu vực, thời gian, cấp độ bão khi đổ bộ nên cần triển khai ứng phó ở mức độ cao nhất. Hàng vạn người dân ven biển sẽ được sơ tán.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 13 Vamco. (Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG).
Sáng 13/11, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp trực tuyến với các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Định để chỉ đạo ứng phó bão số 13 (bão Vamco), dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, sáng nay bão số 13 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410km, cách đất liền khoảng 880km, tốc độ di chuyển từ 15-20km/h. Cường độ hiện tại cuối cấp 11, đầu cấp 12.
Ông Khiêm nói thêm, nhận định của các đài quốc tế hôm nay tương đối thống nhất vùng khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão là từ Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ, trọng tâm Quảng Ngãi đến Hà Tĩnh.
Về nhận định gió mạnh, theo ông Khiêm, trên khu vực giữa Biển Đông và Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 15; sóng biển cao từ 4-6m, vùng gần tâm bão 8-10m; biển động dữ dội.
Vùng ven bờ Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão, riêng từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Từ sáng mai, hoàn lưu bão gây gió mạnh trên đất liền các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Nam. Thời gian gió mạnh khoảng đêm ngày 14, sáng sớm 15/11.
Tỉnh Quảng Nam dự kiến sẽ sơ tán 161.000 hộ dân ven biển, khoảng 12 giờ trưa 14/11 sẽ sơ tán xong. Đối với khu vực miền núi có khả năng sạt lở lớn, tỉnh đã lên kế hoạch dự kiến sơ tán 10.000 hộ dân ở 93 điểm có nguy cơ cao.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng báo cáo, dự kiến sơ tán khoảng 19.000 hộ, khoảng đêm nay đến sáng mai (14/11) sẽ di dời xong.
Đà Nẵng lên phương án sơ tán gần 141.000 người dân trước bão số 13
Theo Thanh Niên, ngày 13/11, UBND TP.Đà Nẵng có báo cáo về việc triển khai ứng phó với bão số 13 (bão Vamco) trên địa bàn TP. Theo đó, dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão gió cấp 8 - 11 là 72.136 người. Dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão gió cấp 12 - 13 là 140.868 người.
Cụ thể, huyện Hòa Vang đã di dời 151 hộ/544 người ở 4 xã do nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, núi. Các địa phương đã rà soát, lên danh sách và lập kế hoạch sơ tán theo phương án đã được Chủ tịch UBND quận, huyện phê duyệt.
Những trường hợp phải sơ tán là người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiên cố, nhà tạm. Công tác sơ tán dân hoàn thành trước 9 giờ ngày 14/11. Theo báo cáo, TP.Đà Nẵng ưu tiên sơ tán tại chỗ, đến các nhà kiên cố, an toàn, gần nhất trong khu vực. Sơ tán tập trung tại các địa điểm đã được quận, huyện lựa chọn và được Sở Xây dựng thẩm định.
Người dân Đà Nẵng di chuyển thuyền nhỏ lên bờ tránh bão. Ảnh: Thanh Niên
Cũng theo báo cáo, số phương tiện đang neo đậu tại Đà Nẵng là 1.240 tàu/7.413 lao động. Số phương tiện đang hoạt động trên biển là hai tàu/17 lao động, khu vực biển Vũng Tàu, nằm ngoài khu vực nguy hiểm. Hiện có 24 tàu du lịch nội địa trên sông Hàn neo đậu tại khu vực Đảo Xanh và sông Cổ Cò (phía thượng nguồn sông Hàn) tạm ngừng hoạt động.
Trước đó, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 12, tình hình mưa lớn trong ngày 10 và 11/11 đã gây ngập lụt ở một số xã của huyện Hoà Vang. Cụ thể là đã có bốn xã, 16 thôn ngập cục bộ. 35 hộ ở xã Hòa Khương cũng bị ngập.
Cùng với đó, theo công điện chống bão số 13 do UBND TP.Đà Nẵng ban hành vào trưa 13/11, UBND TP yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12 giờ ngày 14/11. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) được nghỉ làm việc trong ngày 14/11.
Cụ thể, UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12 giờ phút ngày 14/11 cho đến khi có thông báo của Ban chỉ huy. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 14/11 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).
Đồng thời, Công an TP chủ trì phối hợp với Sở GTVT và các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức chốt chặn không cho người và phương tiện qua lại tới những vị trí nguy hiểm, ngập sâu trên các tuyến giao thông, cầu, đường… quan trọng bắt đầu từ 12 giờ ngày 14/11.
Ngoài ra. UBND TP yêu cầu Sở GD-ĐT cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học ngày 14/11. Tiếp tục theo dõi diễn biến bão, lũ trong những ngày đến để quyết định việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học và chịu trách nhiệm trước UBND TP; Đà Nẵng thành lập Ban Chỉ huy Tiền phương TP ứng phó với bão số 13 tại Trung tâm Hành chính TP.Đà Nẵng bắt đầu làm việc từ 9 giờ ngày 14/11.