Bán hàng ngàn bộ trang phục phòng dịch giả, nhân viên bệnh viện bị khởi tố
Cơ quan tố tụng TP.Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Văn Tới (31 tuổi, ngụ huyện Thường Tín, TP.Hà Nội), là nhân viên của một bệnh viện, về tội buôn bán, sản xuất hàng giả.
Theo thông tin trên báo Thanh Niên, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn lệnh tạm giam 4 tháng của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội, đối với bị can Hoàng Văn Tới về tội “Buôn bán hàng giả” theo quy định tại Điều 192, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hoàng Văn Tới (sinh năm 1989, trú tại xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) là nhân viên Khoa Khám bệnh của một bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ năm 2010 đến nay.
Đây là bị can thứ 4 bị khởi tố trong vụ án Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ y tế Đức Anh (viết tắt là Công ty Đức Anh, địa điểm kinh doanh số 5, ngõ 178, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) bị phát hiện buôn bán, làm giả hàng nghìn bộ trang phục y tế phòng dịch.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố, tạm giam đối với ba bị can gồm: Trương Thị Bình (sinh năm 1982, Phó Giám đốc Công ty Đức Anh), La Văn Thi (sinh năm 1982, Giám đốc kinh doanh Công ty Đức Anh), Nguyễn Đức Việt Anh (sinh năm 1987, nhân viên Công ty Đức Anh) về cùng tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo quy định tại Điều 192 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trang phục phòng dịch giả mạo nhãn hiệu của Công ty Phúc Hà. Nguồn: TTXVN.
Theo điều tra ban đầu, cuối năm 2019, Hoàng Văn Tới mua máy đo huyết áp ở cửa hàng của Trương Thị Bình, từ đó có quan hệ quen biết. Đầu năm 2020, Bình nói với Tới là cần nguồn hàng bộ trang phục y tế phòng dịch để bán. Tới nói để liên hệ mua và bán lại cho Bình.
Sau đó, Tới mua 4.000 bộ trang phục phòng dịch không nhãn hiệu (một bộ gồm: quần áo, giày, găng tay, kính) của đối tượng không quen biết trên mạng xã hội về bán lại cho Bình. Tháng 2, Tới tiếp tục đặt mua 3.000 bộ trang phục phòng dịch như trên để bán lại cho Bình.
Cuối tháng 2, Bình nói với Tới cần mua bộ trang phục phòng dịch dán nhãn hiệu của Công ty Cổ phần dược và thiết bị y tế Phúc Hà (Công ty Phúc Hà) để bán cho khách hàng (một bộ gồm: quần áo, giày, găng tay, khẩu trang và kính).
Tới đã tìm mua và bán lại cho Bình 5.000 bộ trang phục phòng dịch không chính hãng, chưa đóng gói và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, cùng 1 túi tem nhãn ghi tên Công ty Phúc Hà.
Tại cơ quan điều tra, Bình thừa nhận biết rõ hàng ngàn bộ trang phục phòng dịch do Tới bán cho mình không phải hàng chính hãng, nhưng vẫn chỉ đạo nhân viên đóng gói, dán tem nhãn của Công ty Phúc Hà để bán ra thị trường.