Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát bị đề nghị truy tố trong vụ lừa đảo tại ngân hàng SCB
Cơ quan công an đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 34 người về 3 tội danh khác nhau. Trong số này có bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, người đã bị tuyên án sơ thẩm với hành phạt tử hình.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Bản Kết luận điều tra vụ án hình sự số: 13/QĐ-CSKT-P2 và đề nghị truy tố đối với 34 bị can về 3 tội danh gồm "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (Điều 174); "Rửa tiền" (Điều 324) và "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" (Điều 189).
Dù đã bị tuyên tử hình, bà Trương Mỹ Lan vẫn tiếp tục bị điều tra, xử lý về vi phạm khác.
Trước đó, trong một buổi họp báo của Bộ Công an, phía điều tra thông tin, kết quả điều tra xác định từ năm 2018 - 2020, nhóm người liên quan Vạn Thịnh Phát cùng một số đơn vị đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật trong phát hành trái phiếu.
Từ các hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và một số bị can khác đã lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư. Do số lượng bị hại rất lớn nên C03 đã ủy thác cho cơ quan điều tra công an các địa phương làm việc với các nhà đầu tư đã mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát.
Bà Trương Mỹ Lan là người vừa bị TAND TP.HCM tuyên án tổng hợp tử hình về các hành vi đưa hối lộ, tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng. Bà Lan đã gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án này nên án chưa có hiệu lực.
Trong bản án ban hành ngày 11/4, TAND TP.HCM giao và kiến nghị C03 Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ một số dấu hiệu tội phạm liên quan bà Trương Mỹ Lan.
Đầu tiên, tòa án tuyên tiếp tục kê biên 76 quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai); giao cho C03 để điều tra, xử lý hành vi sai phạm của một số đối tượng đứng tên hộ tài sản cho Trương Mỹ Lan.
Tương tự, có 16 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM) cũng bị tuyên tiếp tục kê biên để giao C03 điều tra, giải quyết trong giai đoạn 2 vụ án. Tổng diện tích của khu đất này khoảng 1ha, thuộc Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiểng.
Tòa án cũng đề nghị C03 tiếp tục điều tra, làm rõ việc Trương Mỹ Lan sử dụng tiền thông qua Công ty Vivaland để mua cổ phần của các cổ đông sở hữu Công ty Amaland. Từ đó, có căn cứ thu hồi số tiền này từ Công ty Amaland PTE.LTD (trụ sở chính tại Singapore) để Trương Mỹ Lan khắc phục hậu quả vụ án.
Được biết, bà Lan đã dùng 147 triệu USD để thông qua Công ty Vivaland, mua cổ phần của Công ty Amaland. Còn Amaland lại sở hữu 100% cổ phần tại Công ty Việt Sinh – chủ đầu tư Khu đô thị và tái định cư Sinh Việt (huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Nội dung khác trong án sơ thẩm, tòa kiến nghị điều tra, làm rõ dòng tiền 108.878 tỷ đồng và hơn 14,7 triệu USD liên quan Trương Mỹ Lan để có cơ sở thu hồi, khắc phục hậu quả đồng thời làm rõ các sai phạm nếu có rồi xử lý theo quy định.
Cơ quan điều tra cũng cần làm rõ các phương án, dự án chưa được xử lý trong vụ án mà Trương Mỹ Lan (hoặc người của bà Lan) hợp tác, giao kết, giao dịch để xác định đúng bản chất các giao dịch. Việc này giúp xác định tài sản và vi phạm nếu có của các tổ chức, cá nhân liên quan rồi xem xét, thu hồi khi giải quyết giai đoạn 2 vụ án.
Mới đây, trong cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khi điểm lại những kết quả nổi bật, Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB đã được xét xử sơ thẩm (do TAND TP.HCM xét xử). Mức án dành cho các bị cáo rất nghiêm khắc, cũng rất nhân văn, trong đó, lần đầu tiên tuyên phạt tử hình đối với 1 bị cáo là chủ doanh nghiệp tư nhân về tội "tham ô tài sản" (bà Trương Mỹ Lan).
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, trong đó có vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.