Bà Hứa Thị Phấn bị truy tố vì tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Cơ quan điều tra Bộ Công an đã quyết định thay đổi lệnh khởi tố bị can Hứa Thị Phấn và 3 người khác từ tội Cố ý làm trái sang Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bà Hứa Thị Phấn.
Ngày 27/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra CSĐT - Bộ Công an khởi tố 14 bị can về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank).
Trong số này, có 6 bị can trong nhóm Phú Mỹ của bà Hứa Thị Phấn, 8 người nguyên là cán bộ, nhân viên Ngân hàng Đại Tín. Trong đó, 4 bị can bị bắt tạm giam, những người còn lại cấm đi khỏi nơi cư trú, chờ cơ quan điều tra lấy lời khai.
Theo thông tin trên báo điện tử Tri thức trực tuyến, với tài liệu và chứng cứ có được, Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã ra quyết định thay đổi lệnh khởi tố từ tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng sang tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với 4 bị can: Hứa Thị Phấn, nguyên Cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín; Bùi Thị Kim Loan, thư ký của bà Phấn; Ngô Kim Huệ, nguyên Phó TGĐ Ngân hàng Đại Tín và Lâm Kim Dũng, nguyên Giám đốc Công ty Lam Giang từ tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng sang tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra xác định, bị can Ngô Kim Huệ và Bùi Thị Kim Loan từng được cơ quan chức năng áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng trong quá trình điều tra vụ án họ được xác định là nhân vật chính đã có hành vi giúp sức đắc lực cho bị can Hứa Thị Phấn chiếm đoạt và gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín trên 6.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, họ có thái độ khai báo quanh co, không thành khẩn, ngoan cố che giấu hành vi phạm tội của bản thân và bị can Phấn, không hợp tác, gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, thu hồi tài sản để khắc phục hậu quả cho Nhà nước nên Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định thay thế sang biện pháp bắt tạm giam.
Riêng bị can Hứa Thị Phấn đang điều trị bệnh nên cơ quan điều tra đã cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trước đó, hồi tháng 3, nhà chức trách đã khởi tố bị can, khám xét nơi ở của bà Phấn (ở quận Thủ Đức, TP.HCM) về hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Được biết, năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng yếu kém. Hà Văn Thắm muốn thâu tóm Ngân hàng Đại Tín về Ocean Bank nên gặp bà Phấn đặt vấn đề chuyển giao ngân hàng này. Đến tháng 2/2012, bà Phấn giao cho Ngô Kim Huệ, khi đó là thành viên HĐQT, Phó TGĐ TrustBank ký bán cho ông Thắm 250 triệu cổ phiếu (tương đương gần 85% vốn điều lệ của ngân hàng này) với tổng giá trị ghi trên hợp đồng là 4,5 tỷ đồng. Thắm đề nghị tái cơ cấu TrustBank nhưng không được. Sau đó, bà Phấn lại ký bán ngân hàng này cho Phạm Công Danh và ông Danh hứa tái cơ cấu và trả toàn bộ phần nợ.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, bị can Ngô Kim Huệ đã có hành vi ký khống 5 giấy nộp tiền và 5 bảng kê thu 330,25 tỷ đồng với vai trò là khách hàng, gây thiệt hại cho TrustBank. Bị can Loan đã mua, bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch qua đó chiếm đoạt của TrustBank 1.105 tỷ đồng.
Các bị can Huệ, Trang, Thanh, Hạnh, Trinh, Thảo liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn và đồng phạm khác trong việc nâng khống giá trị việc mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch để chiếm đoạt của TrustBank 1.105 tỷ đồng và trong việc lập chứng từ, hạch toán thu chi khống để chiếm đoạt của TrustBank 4.985 tỷ đồng