6 ca khúc bất hủ của dân tộc trong dịp Quốc khánh 2/9

02-09-2022 07:41:23

Trong những ngày mùa thu lịch sử của đất nước, cùng Dân Việt nghe lại những ca khúc bất hủ được vang lên trong mỗi dịp Quốc Khánh 2/9.

Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9/1945 đã trở thành nguồn cảm xúc lớn lao, là đề tài lôi cuốn cho các nghệ sĩ sáng tác. Tuy nhiên trong nền âm nhạc nước nhà thì không có nhiều tác phẩm phản ánh đúng dấu mốc lịch sử này.

Dễ hiểu bởi khi ấy toàn dân tộc ta, trong đó có giới văn nghệ sĩ vừa đón nhận ngày Độc lập của mình một cách quá hạnh phúc, thậm chí là bất ngờ và liền sau đó là những ngày đầu tiên của chính quyền non trẻ với bao bề bộn, ngổn ngang của những công việc lớn lao cần tất cả tập trung giải quyết...

Trong số ít ỏi các tác phẩm văn nghệ nói về ngày lịch sử trọng đại này có những bài hát nổi tiếng và có sức sống mãnh liệt qua gần 8 thập kỷ.

Tiến quân Ca - Văn Cao

Năm 1944, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác bài Tiến quân ca. Đây bài hát vô cùng quen thuộc của toàn thể dân tộc Việt Nam bởi đây là Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với ca từ mạnh mẽ, hùng tráng, bao lớp thế hệ luôn cảm thấy tự hào khi bản nhạc vang lên, dù tại quê hương hay ở bất cứ đâu.

Chân dung cố nhạc sĩ Văn Cao. (Ảnh: ST).

Ngày 2/9/1945, ca khúc Tiến quân ca chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình bởi ban nhạc Giải phóng quân do nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên chỉ huy. Trước ngày biểu diễn, cùng với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên trao đổi với Văn Cao thống nhất sửa hai chữ trong Tiến quân ca. Cụ thể là rút ngắn độ dài của nốt rê đầu tiên ở chữ "Đoàn" và nốt mi ở giữa chữ "xác" giúp cho bản nhạc hào sảng hơn.

Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao. (Nguồn: Trịnh Minh Quân)

Từ khi được đích thân Bác Hồ chọn cho đến năm 1955, Quốc ca giữ nguyên lời của bài Tiến quân ca. Sau năm 1955, Quốc hội mời nhạc sĩ Văn Cao tham gia sửa chữa một số chỗ về phần lời và trở thành bài Quốc ca như hiện nay. Tuy nhiên, lúc sinh thời nhiều lần Văn Cao đã cảm thấy luyến tiếc vì một số chữ bị sửa đã làm vơi đi khí thế hào hùng của ca khúc.

Ba Đình nắng – Bùi Công Kỳ (phổ thơ Vũ Hoàng Địch)

Ca khúc Ba Đình nắng ngay từ khi ra đời vào năm 1948 đã được đón nhận nồng nhiệt. Qua thời gian ca khúc càng được yêu thích trở thành giai điệu tự hào, nằm trong top những bài ca đi cùng năm tháng.

Lời hát của ca khúc Ba Đình nắng. (Ảnh: ST).

Giai điệu, lời ca của bài hát khiến cho người nghe có cảm giác như mình đang ngồi trước màn ảnh nhỏ xem những thước phim tư liệu về ngày lịch sử 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội.

Nửa triệu người chăm chú lắng nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Đang đọc Bác dừng lại hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?". Câu nói mộc mạc chan chứa tình thương của Bác làm ai nấy dâng trào cảm xúc.

"Ba Đình nắng" với sự thể hiện của ca sĩ Tiến Hưng. (Nguồn: Tiến Hưng Official).

Đoàn Vệ quốc quân – Phan Huỳnh Hiểu

Bài hát Đoàn Vệ quốc quân được sáng tác năm 1945 bởi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ban đầu ca khúc được mang tên là Đoàn Giải phóng quân. Bài ca hừng hực khí thế, tâm trạng sục sôi, quả cảm tâm huyết của những thanh niên tham gia chống giặc cứu quốc. Giai điệu hào hùng này đã, đang cháy bỏng trong lòng thế hệ trẻ yêu nước xưa và nay.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Hiểu sáng tác ca khúc Đoàn Vệ quốc quân vào năm 1945. (Ảnh: ST)

Bài hát Đoàn Vệ quốc quân được sáng tác vào đúng thời điểm mà Việt Nam vừa giành được độc lập sau gần một thế kỷ là thuộc địa của Pháp. Khi nền độc lập còn non trẻ, đứng trước nguy cơ Pháp tái chiếm, lời bài hát được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết lên như lời thề của thế hệ thanh niên lên đường ra trận: Ra đi ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi ra đi thà chết không lui…

Đoàn vệ quốc quân - Trường CĐNT Quân đội. (Nguồn: Nhạc Cách mạng tiền chiến)

Mười chín tháng Tám – Xuân Oanh

Ngày 19/8/1945, trong giây phút lịch sử của cả dân tộc, cố nhạc sĩ Xuân Oanh hòa cảm xúc vào dòng người tham gia cuộc Cách mạng lớn của đất nước để viết lên tác phẩm âm nhạc còn sống mãi trong lòng người Việt Nam, ca khúc Mười chín tháng Tám.

Ca khúc Mười chín tháng Tám chỉ vỏn vẹn 10 câu. (Ảnh: ST).

Bài hát chỉ có 10 câu ngắn gọn nhưng mang đậm tinh thần hào hùng, chứa đựng sự quyết tâm cao cả. Ca khúc Mười chín tháng tám là lời hiệu triệu những trái tim yêu nước chống lại kẻ thù, giành độc lập dân tộc.

Ngay từ khi ra đời, ca khúc đã nhanh chóng được đông đảo đồng bào khắp mọi miền trong cả nước biết tới. Cho đến nay đã 77 năm trôi qua, ca khúc Mười chín tháng Tám hàng năm vẫn vang lên hùng tráng vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công 19/8 và Quốc khánh 2/9.

Mười chín tháng Tám - Tốp ca Nhà hát Trưng Vương. (Nguồn: Thanh Bình QRT)

Lên đàng – Lưu Hữu Phước

Bài hát Lên đàng được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác vào năm 1944. Bài hát được ra đời và đã có tác động trong việc kêu gọi tham gia cách mạng cứu nước đối với lớp trẻ trong những năm khói lửa của cả dân tộc. Những ca từ hào hùng, rạo rực khí thế như một lời thúc giục, động viên thế hệ trẻ tham gia vào phong trào cách mạng cứu nước.

Bài hát Lên đàng trở thành bài hát chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (Ảnh: ST).

Đến bây giờ bài hát vẫn có sức ảnh hưởng lớn và là một dấu ấn sâu sắc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Ca khúc này đã trở thành bài hát chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Hội ca Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam - Lên đàng. (Nguồn: Francisco Callahan)

Ngọc Linh
Theo Dân việt //