4 yếu tố nguy cơ rất cao khiến nam giới dễ bị ung thư tinh hoàn
Tại Bệnh viện Bình Dân, độ tuổi trung bình của các trường hợp bướu tinh hoàn chỉ ngoài 30, trong đó nhiều trường hợp người bệnh là những nam thanh niên mới từ 16-19 tuổi.
Mất "vũ khí chiến đấu" mà không biết
Tại Bệnh viện Bình Dân (TP HCM), trong 2 năm 2017-2018 tiếp nhận tới khoảng 150 bệnh nhân ung thư tinh hoàn. Nhiều còn rất trẻ, không biết mình bị bệnh đến khi triệu chứng đau dữ dội mới đến viện.
Một trường hợp bị ung thư tinh hoàn phải phẫu thuật cắt bỏ tại Bệnh viện Bình Dân
Khi thấy sức khoẻ giảm nhanh chóng, ăn uống kém, đau hai "hạt cà", đau hông, anh K 24 tuổi mới đi viện khám, nhận kết quả ung thư tinh hoàn di căn.
Một người khác, đang là sinh viên năm thứ 1, đi khám khi thấy đau, cục cứng nổi lên ở vùng bìu. Tương tự bệnh nhân 24 tuổi trên, nam sinh này chẩn đoán ung thư tinh hoàn. Bác sĩ khuyên anh này nên lưu trữ tinh trùng để sau này có thể được làm cha.
Tại Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận nhiều nam bệnh nhân ung thư tinh hoàn, mất "vũ khí chiến đấu" từ bao giờ mà không biết. Mới đây, khi thấy tinh hoàn phải to dần, kèm theo đau tức trong 2 tháng, anh H (26 tuổi, Hoà Bình) đi khám. Anh H lấy vợ 1 năm mà chưa có con. Trước đó, bệnh nhân đã mổ hạ tinh hoàn 2 bên do ẩn tinh hoàn khi mới 9 tuổi.
Các bác sĩ chẩn đoán, nam bệnh nhân này bị ung thư tinh hoàn và buộc phải có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần "của quý".
4 yếu tố nguy cơ cao bị ung thư tinh hoàn
Các chuyên gia cho hay, 4 yếu tố được xác định là nguy cơ bị ung thư tinh hoàn tăng cao gồm: Người bệnh có tinh hoàn ẩn; tinh hoàn bị teo; tiền sử gia đình có cha, anh em trai bị ung thư tinh hoàn; người mẹ trong lúc mang thai sử dụng các thuốc nội tiết (DES, estrogen).
Các bác sĩ bệnh viện Việt Đức phẫu thuật cho bệnh nhân
Đơn cử với nguyên nhân do tinh hoàn ẩn, theo PGS.TS Nguyễn Quang – Giám đốc Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức), tinh hoàn ẩn là những tinh hoàn dừng lại trên đường di chuyển của tinh hoàn từ bụng xuống bìu trong thời kỳ bào thai. Tinh hoàn ẩn nếu không điều trị có thể gặp nguy cơ ung thư hoá.
Theo PGS Quang, người mẹ trong lúc mang thai sử dụng các thuốc nội tiết Diethylstillbesteron, hay kháng Androgen (Flutamide) cũng liên quan đến bệnh này, bởi estrogen có tác dụng làm hỏng sự đi xuống của tinh hoàn, nguy cơ ung thư tinh hoàn.
Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh lên tới 95%.
Điều khó khăn theo các chuyên gia, các vấn đề nam khoa vốn là bệnh "khó nói", nhiều người không dám đối mặt, không muốn ai biết đến nên thường chậm trễ thăm khám. Khi bệnh trở nặng, di căn mới nhập viện điều trị thì đã ở giai đoạn muộn.
Dấu hiệu phát hiện ung thư tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn thường có các triệu chứng như: Bệnh nhân sờ thấy một khối cứng, đặc trong bìu, không đau. Có người bệnh tự phát hiện khi thấy vùng bìu có một hột không đau hoặc một chỗ sưng của tinh hoàn.
Khi ung thư đã di căn đến các cơ quan khác bệnh nhân thường bị đau tinh hoàn, ngực to lên, đau lưng, đau hông. Có người bị đau hoặc khó chịu ở một tinh hoàn hoặc đau trong bìu, tinh hoàn to lân, cảm giác nặng ở bìu, ở bụng dưới, ở háng
Tại Bệnh viện Bình Dân, độ tuổi trung bình của các trường hợp bướu tinh hoàn chỉ ngoài 30, trong đó nhiều trường hợp người bệnh là những nam thanh niên mới từ 16-19 tuổi.
Để chẩn đoán ung thư tinh hoàn, bệnh nhân được thăm khám tổng quát và chuyên sâu nam khoa, thực hiện các xét nghiệm máu để tìm chất đánh dấu ung thư (tumor marker), siêu âm bụng, siêu âm đàn hồi mô và nếu cần thiết chụp cộng hưởng từ (MRI).
Để phòng ngừa ung thư tinh hoàn, các chuyên gia khuyến cáo nam giới, nhất là những người từ 15 đến 35 tuổi cần tự kiểm tra tinh hoàn bằng cách nắn nhẹ hai bên bìu ít nhất 1 lần mỗi tháng. Phát hiện dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay.