4 sai lầm khi xử lý người bị đột quỵ nhiều người mắc phải để lại hậu quả đáng tiếc
Theo các chuyên gia, người bị đột quỵ nếu được xử lý đúng cách thì khả năng phục hồi cao.
Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do mất nguồn máu nuôi dưỡng mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ.
Đột quỵ có nguy cơ xảy ra cao với nhóm người mắc bệnh tim mạch, người tiền sử tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, người hút thuốc lá...
Theo các chuyên gia, người bị đột quỵ nếu được xử lý đúng cách thì khả năng phục hồi cao. Tuy nhiên rất nhiều các trường hợp mắc sai lầm phổ biến trong khi xử lý đột quỵ cho người bệnh.
Dưới đây là 4 sai lầm thường mắc phải khi sơ cứu người bị đột quỵ:
Ảnh minh họa
Sơ cứu không đúng cách
Đột quỵ rất hay bị nhầm lẫn với bệnh khác, hoặc gặp lúng túng khi xử lý. Nhiều người hiểu sai rằng không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ vì sẽ gây nguy hiểm.
Thực tế, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đột quỵ tới cơ sở y tế gần nhất để tận dụng "thời gian vàng" có thể chữa trị. Thời gian vàng là trong khoảng 6 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đột quỵ. Bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm thì khả năng chữa khỏi càng lớn và ít để lại di chứng.
Tự uống an cung khi chưa có chỉ định của bác sĩ
Hiện nay, nhiều người truyền tai nhau trong nhà có người già thì cần dự trữ an cung đề phòng đột quỵ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc này là không nên vì an cung ngưu hoàng hoàn là một bài thuốc dùng trong trường hợp trúng phong. Nên được sử dụng bởi những thầy thuốc có kinh nghiệm. Khi người bệnh có dấu hiệu đột quỵ, bằng các biện pháp chụp chiếu, bác sĩ sẽ xác định chính xác đây là bệnh nhồi máu não hay xuất huyết não. Đa số an cung ngưu dùng cho trường hợp nhồi máu não.
Uống thuốc hạ huyết áp quá nhanh
Theo chứng kiến của các bác sĩ, nhiều trường hợp người nhà thấy huyết áp người bệnh cao đột ngột nên tự cho uống thuốc hạ, khiến huyết áp của bệnh nhân tụt xuống làm cho dòng máu lên não yếu đi, ổ nhồi máu nhũn não càng rộng hơn. Tình trạng bệnh nhân do đó càng diễn tiến xấu, di chứng nặng nề hơn.
Chích máu 10 đầu ngón tay
Theo các chuyên gia đông y, việc chích máu 10 đầu ngón tay để xử lý khi bị tai biến mạch máu não thì không nên làm vì có thể khiến người bệnh rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn. Theo đông y, châm 10 đầu ngón tay đồng nghĩa với giảm nguyên khí, tức là làm cho máu không lưu thông, đây là điều không nên làm trong xử trí đột quỵ não.