3 người trong gia đình bị ngộ độc nặng vì hái nấm ăn trên rẫy
Thông tin từ Bệnh viện Đà Nẵng cho biết đang cấp cứu hồi sức tích cực, chống độc cho các nạn nhân ngộ độc nấm tập thể được chuyển viện từ Quảng Ngãi.
3 người trong gia đình bị ngộ độc nặng vì hái nấm ăn trên rẫy. Hình ảnh bệnh nhân ngộ độc nấm đang được hồi sức tích cực, chống độc tại BV Đà Nẵng
Ảnh: An Quân
Được biết trước khi nhập viện, gia đình anh T. vào rẫy và hái nấm có màu trắng, vừa mọc sau mưa để về chế biến món ăn tối.
Sau bữa ăn khoảng 12 tiếng đồng hồ, lần lượt bệnh nhân Đinh Văn T. (39 tuổi) và Đinh Thị N. (38 tuổi, dân tộc Ca Dong, ngụ xã Sơn Tân, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), cùng con gái (12 tuổi) bị đau bụng, nôn mửa ra máu, chóng mặt, đi ngoài phân lỏng.
Các nạn nhân sau đó được người thân đưa vào bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu. Tuy nhiên sau 2 ngày điều trị, con gái anh T. được chuyển ra bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng, 2 vợ chồng anh T. được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng do tình hình chuyển biến nặng.
Theo đó, Theo bác sĩ chuyên khoa 2 (BS.CK2) Hà Sơn Bình (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Đà Nẵng) thông tin, bệnh viện tiếp nhận người vợ trong tình trạng rối loạn tri giác, hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan cấp, suy thận cấp. Người chồng có triệu chứng ngộ độc chậm hơn, tỉnh táo, tiếp xúc được nhưng tổn thương gan nặng.
Bác sỹ Bình chia sẻ thêm rằng các bác sĩ đang tích cực điều trị, thải độc qua đường tiêu hóa và tiết niệu cho 2 bệnh nhân. Tuy nhiên, người vợ diễn tiến nặng, nhiễm độc gan nặng, suy gan cấp nên phải thay huyết tương, lọc máu liên tục, thở máy.
Ngoài ra, thông tin thêm rằng so với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Triệu chứng của ngộ độc nấm ban đầu rất mơ hồ như đau bụng, đi ngoài sau đó tự cầm, nhiều người nghĩ đỡ không đến bệnh viện nhưng các triệu chứng xuất hiện trở lại thì đã hôn mê gan, tổn thương gan.
Khi có biểu hiện ngộ độc nấm nếu chưa nôn thì cần móc họng hoặc uống nhiều nước rồi móc họng gây nôn. Phương pháp này chỉ áp dụng cho bệnh nhân còn tỉnh táo, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Chú ý, đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế; mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến đến cơ sở y tế để sơ bộ xác định loại nấm.
Dấu hiệu nhận diện nấm độc nấm
1. Nấm có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc.
2. Bên trong thân cây nấm màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc.
3. Bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm), độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu.