20/10 là ngày gì? Lịch sử, ý nghĩa ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
Ngày Phụ nữ Việt Nam năm nay là ngày: Thứ năm, 20/10/2022. Cùng tìm hiểu nguồn gốc lịch sử, ý nghĩa của ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 nhé!
I. Ngày 20/10 là ngày gì?
Ngày 20 tháng 10 hàng năm được chọn là Ngày Phụ Nữ Việt Nam, đó là ngày lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh phụ nữ Việt Nam, sự ghi nhận của đất nước với những con người được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: “Cần cù, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”.
Năm nào cũng vậy, ngày 20 tháng 10 tại Việt Nam được tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa liên quan đến phụ nữ nhằm tôn vinh nữ giới, những người phụ nữ xuất sắc luôn làm tròn trọng trách, xứng danh với tên câu: Phụ nữ Việt Nam "giỏi việc nước, đảm việc nhà".
II. Nguồn gốc lịch sử của ngày 20 tháng 10:
Khi nhắc tới lịch sử dân tộc Việt Nam, trong số các anh hùng chắc chắn không thể không kể đến những người phụ nữ dũng cảm, thời xa xưa thì có Hai Bà Trưng, Bà Triệu... sau này thì có Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu... Những tổ chức do chị em phụ nữ lập ra và đứng đầu cũng tạo nên những “tiếng chuông” vang vọng đi vào lịch sử ngàn đời.
Ngày 3 - 2 - 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lâp, cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi rất rõ: “Nam nữ bình quyền”. Đảng đã sớm nhận ra phụ nữ Việt Nam chính là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: “Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ”.
Không chỉ vậy, Đảng đã đặt ra mục tiêu phụ nữ Việt Nam phải tham gia các đoàn thể cách mạng và từ đó thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để thúc đẩy, động viên các chị em tham gia cách mạng. Ngày 20 - 10 - 1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam được thành lập (sau này đổi tên thành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), đồng thời cũng là ngày mà người phụ nữ Việt Nam được cầm lá phiếu bầu cử, tham gia các hoạt động và công tác chính quyền, xã hội, nắm giữ nhiều trọng trách quan trọng trong bộ máy Nhà nước cũng như đoàn thể quần chúng.
Để đánh dấu các sự kiện quan trọng này thì Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm là ngày truyền thống của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để tổ chức lễ kỷ niệm này, đồng thời xem đây là ngày để tôn vinh người phụ nữ Việt Nam và đặt tên là “Ngày Phụ nữ Việt Nam”. Trải qua hơn 88 năm với nhiều thăng trầm của xã hội, tổ chức hiện thời ngày càng giàu mạnh, còn người phụ nữ Việt Nam thì ngày càng có tri thức, có sức khỏe, năng động, có văn hóa và đặc biệt là biết tham gia các hoạt động, lao động sản xuất.
III. Ý nghĩa của ngày 20 tháng 10
Từ bao đời nay, vai trò của người phụ nữ vẫn luôn được tôn vinh và coi trọng không chỉ trong gia đình mà ngay cả trong các mối quan hệ xã hội. Phụ nữ chính là hậu phương vững chắc cho chồng, con, đồng thời cũng là người “giữ lửa” cho tổ ấm gia đình hạnh phúc.
Ý nghĩa của ngày đặc biệt 20 tháng 10 đó chính là để kỷ niệm và tôn vinh người phụ nữ Việt Nam. Họ là những người con được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: “ Cần cù, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”, xứng đáng được nhận những lời tri ân, lời chúc yêu thương, tốt đẹp, tấm lòng biết ơn, ghi nhận của đất nước và mọi người xung quanh.
Do đó, vào dịp quan trọng này, những người chồng, người con, người anh và người em sẽ bày tỏ sự yêu thương, trân trọng tới người phụ nữ của mình bằng nhiều cách khác nhau, có người sẽ dành tặng những lời chúc hay, có người sẽ gửi tặng những món quà yêu thương.
IV. Những đóng góp của phụ nữ trong lịch sử dân tộc Việt Nam:
- Thời phong kiến
Ngay từ thời xa xưa, không chỉ nam giới với chí nam nhi “phải mang danh gì với núi sông”, phái nữ cũng đóng góp không nhỏ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngay từ thời phong kiến, những cái tên như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bà Triệu, chỉ huy vạn quân, cưỡi voi đánh giặc, khiến quân thù kinh hồn bạt vía.
Đã có không ít lời ca ngợi về khí thế “ngút trời” của những nữ anh hùng này:
“Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận phường tham bạo, thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân…”
Những hình ảnh đó đã đi vào thơ ca và cuộc sống của người dân như những biểu tượng đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất.
- Thời kì chiến tranh chống Pháp, Mĩ
“Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ Quốc.” Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, đã có rất nhiều những tấm gương phụ nữ dũng cảm, kiên trung, không chỉ trong chiến tranh chống Pháp, mà cả trong kháng chiến chống Mĩ sau này. Có những nữ anh hùng được xướng tên, có những nữ anh hùng hy sinh trong thầm lặng và có những bà mẹ Việt Nam anh hùng tần tảo, chịu khó nuôi bộ đội đánh giặc. Và rất nhiều những cô gái khác tình nguyện bất chấp hy sinh xương máu, tính mạng vì Tổ quốc.
Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu, dù mới chỉ 16 tuổi, nhưng đã dám quăng lựu đạn giết chết và làm bị thương 20 tên giặc. Khi không khai thác được gì từ cô, giặc Pháp đã tử hình cô. Khi đao phủ bắt cô quỳ xuống, người con gái ấy quát lại bọn chúng bằng một câu đã đi vào huyền thoại: “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ!”. Câu nói đó đã khiến lũ giặc run sợ, thể hiện một ý chí kiên cường, bất khuất, không chịu khuất phục trước lũ cướp nước.
Rồi Nguyễn Thị Minh Khai, sau những đòn tra tấn tàn bạo, bà đã lấy máu mình viết lên cánh cửa phòng giam: “Dù đánh, dù treo, càng cương quyết/Dù kiềm, dù kẹp, chẳng sai lời/Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ/Triệt để thực hành chết mới thôi”.
Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, phụ nữ đã rất hăng hái tham gia vào các hội, tổ chức kháng chiến như Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đội quân Tóc dài, … Họ chiến đấu đi đánh giặc, họ gia tăng sản xuất để phục vụ cuộc kháng chiến, họ coi bộ đội như con, sẵn sàng giúp đỡ và hy sinh để cứu Tổ Quốc.