2 cụ ông chịu án oan gần 40 năm ở Vĩnh Phúc yêu cầu bồi thường gần 38 tỉ đồng

22-06-2020 16:32:14

2 cụ ông đã có yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị truy tố oan tội “Giết người” gửi đến VKSND tỉnh Vĩnh Phúc sau 37 năm mới được minh oan.

Ngày 22/6, chia sẻ với Thanh Niên, ông Trần Ngọc Chinh (79 tuổi) cho biết, ông và gia đình em trai Trần Trung Thám (sinh năm 1942, cùng trú tại xã Đồng Thịnh, H.Sông Lô, Vĩnh Phúc; đã mất trong thời gian tạm giam) đã có đơn yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường tổn thất tinh thần, sức khỏe, kinh tế khi phải chịu án oan giết người suốt gần 40 năm.

Trong đơn, ông Chinh trình bày lại những tủi nhục trong khoảng thời gian gần 40 năm chịu án oan, sự ghẻ lạnh của hàng xóm, xã hội; và những tháng ngày đằng đẵng kêu oan khắp nơi, kinh tế cạn kiệt cũng chỉ mong sớm được minh oan, giải quyết thỏa đáng việc bắt, giam giữ người vô tội.

Đổi lại những tủi nhục, tổn hại kinh tế, tinh thần, sức khỏe,... ông Chinh yêu cầu Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường 12,87 tỉ đồng cho gần 40 năm ông Chinh phải mang án oan giết người.


Chân dung ông Chinh. Ảnh: Thanh Niên

Cùng với ông Chinh, bà Trần Thị Thắm (SN 1943, vợ ông Trần Trung Thám), yêu cầu được bồi thường tổng số tiền là 25 tỷ đồng trước những tổn thất “to lớn về tinh thần”, về nỗi oan khuất mà ông Thám phải gánh chịu.

Kể lại nỗi oan khuất mà người chồng quá cố phải gánh chịu, theo bà Trần Thị Thắm (SN 1943, vợ ông Trần Trung Thám) cho Dân Trí hay, sau 82 ngày bị bắt, gia đình bà nhận được hung tin ông Thám bị chết trong trại giam. Một thời gian sau, gia đình bà mới được báo tin rằng, ông Thám đã chết tại Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, nguyên nhân do bị kiết lỵ.

“Bao nhiêu năm nay, một mình tôi nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Tôi vẫn luôn đau đáu về cái chết không rõ nguyên nhân của chồng nhưng mấy chục năm nay, không có một ai đứng ra trả lời cho tôi về sự oan khuất, những đau đớn mà chồng tôi phải gánh chịu vì bị bắt nhầm” - bà Thắm trải lòng.

Cũng theo lãnh đạo xã Đồng Thịnh, trong ngày 18/6 vừa qua, gia đình ông Chinh, ông Thám đã có buổi làm việc với đại diện Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc và các bên liên quan, chậm nhất trong ngày 26/6, Viện KSND Vĩnh Phúc sẽ có thông báo trả lời 2 gia đình này về việc có hay không thụ lý đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 28/1/1980, tại thôn Vạn Thắng xảy ra vụ án ông Chu Văn Quản - Bí thư chi bộ thôn - bị sát hại. Lúc này, ông Chinh cùng nhiều người dân địa phương đã đứng ngoài theo dõi.

Đến ngày 3/3/1980, khi ông Chinh đang trồng lạc ngoài đồng thì lực lượng Công an tỉnh Vĩnh Phú cùng chủ tịch UBND xã, công an địa phương đến đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông về tội giết người. Chiều cùng ngày, ông bị đưa lên trại giam Phủ Đức và được xác định là kẻ chủ mưu của vụ án.

Tại trại giam, ông Chinh phát hiện ngoài ông, công an còn bắt thêm em trai Trần Trung Thám và ông Khổng Văn Đệ (trú cùng thôn) và ông Nguyễn Đình Ký. Trong quá trình bị tạm giam, ông Trần Trung Thám đã bị chết.

Sau đó, quá trình điều tra xác định chỉ một mình ông Nguyễn Đình Ký phạm tội giết ông Chu Văn Quản. Ngày 15/6/1983, ông Ký bị TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên án tù chung thân.

Ngày 10/10/1982, ông Chinh được VKSND tỉnh Vĩnh Phú ra quyết định đình cứu vì không phạm tội giết người. Sau đó, ông Chinh và ông Đệ lần lượt được trả tự do vì không liên quan đến vụ án ông Quản bị sát hại.

Theo gia đình 3 người được đình cứu, sau khi được trả tự do, các cơ quan chức năng chưa hề xin lỗi hoặc cải chính công khai về việc oan sai suốt từ năm 1982 đến ngày 9/10/2019.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //