Yêu cầu '100% trường học thu các khoản không dùng tiền mặt' gây xôn xao, Sở GDĐT nói gì?

23-09-2023 09:52:55

Trong văn bản hướng dẫn, Sở GDĐT Vĩnh Phúc yêu cầu từ năm học 2023 - 2024 các trường thực hiện 100% thu học phí, thu dịch vụ, phục vụ và các khoản thu khác không dùng tiền mặt.

Yêu cầu 100% cơ sở giáo dục thực hiện thu các khoản không dùng tiền mặt
Mới đây, Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản Hướng dẫn các khoản thu trong trường học, được áp dụng từ năm học 2023-2024, thay thế cho các văn bản hướng dẫn trước đây.

Văn bản đề cập đến các căn cứ, nguyên tắc chung khi thực hiện các khoản thu trong trường học. Theo đó, nghiêm cấm các trường tự ý đặt ra các khoản thu ngoài quy định, không có sự tự nguyện của phụ huynh học sinh, chưa được cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt.

Đặc biệt, Sở GDĐT Vĩnh Phúc yêu cầu từ năm học 2023-2024, các đơn vị thực hiện 100% thu học phí, thu dịch vụ, phục vụ và các khoản thu khác không dùng tiền mặt. Được biết, trước đó, kết thúc năm học 2022-2023, toàn tỉnh có trên 75% cơ sở giáo dục đã triển khai thu học phí không dùng tiền mặt. 


Sở GDĐT Vĩnh Phúc. Ảnh: Website Sở

Thông tin về việc thực hiện các khoản thu không dùng tiền mặt gây chú ý đến dư luận vì cho rằng việc "cấm" thu tiền mặt là không phù hợp cả về mặt pháp lý lẫn thực tế. 

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, đại diện Sở GDĐT Vĩnh Phúc lý giải: "Việc ứng dụng chuyển đổi số và các giải pháp nhằm đảm bảo thuận lợi cho cả phụ huynh học sinh. Các vùng miền/hạ tầng giải pháp cần đồng bộ và thuận lợi nhất cho tất cả các bên".

Đại diện Sở GDĐT Vĩnh Phúc cũng khẳng định việc này đã có chủ trương từ Chính phủ, UBND tỉnh và các cấp ngành, theo kế hoạch chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương. Việc ứng dụng Công nghệ thông tin là phương thức hỗ trợ công tác quản lý, tăng tính công khai minh bạch hơn, được hỗ trợ bởi bên thứ 3 (ngân hàng, đơn vị trung gian), các khoản thu được hạch toán trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan quản lý giáo dục, giúp người dân được thuận lợi (mọi lúc mọi nơi), dễ giám sát, hệ thống có lưu vết giao dịch giúp nhà quản lý thuận lợi trong công tác kiểm tra/giám sát, hỗ trợ…

Trước lo lắng về việc gây khó khăn cho phụ huynh vì không phải ai cũng có điện thoại thông minh, không sử dụng tài khoản ngân hàng, không sử dụng các phần mềm thanh toán trực tuyến, đại diện Sở GDĐT Vĩnh Phúc chia sẻ, thực tế hiện nay vẫn còn một số phụ huynh học sinh ở một số vùng nông thôn chưa sử dụng tài khoản ngân hàng/ví điện tử. 

Sở chỉ đạo thời gian tới các cơ sở giáo dục tiếp tục hỗ trợ phụ huynh. Sở GDĐT Vĩnh Phúc yêu cầu lựa chọn ngân hàng, công ty cung cấp phần mềm cam kết miễn các loại phí: Phí khởi tạo, phí đào tạo, phí dịch vụ thanh toán của phụ huynh học sinh; hỗ trợ lâu dài (100%) phí duy trì phần mềm hằng năm. Phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan để chấp nhận thanh toán học phí và phí dịch vụ giáo dục bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo.

Khuyến khích chứ không nên "cấm"
Theo TS Đặng Văn Cường, giảng viên Luật, Trường Đại học Thủy lợi: "Trong các quan hệ hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại thì việc thanh toán có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc qua các phương tiện trung gian thanh toán, có thể thanh toán trực tiếp hoặc thanh toán qua ngân hàng bằng hình thức chuyển khoản. Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định nhiều phương thức thanh toán tuy nhiên xu hướng đang khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt và sẽ thực hiện qua các phương tiện trung gian thanh toán.

Chính phủ có những đề án để phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, cũng đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định thanh toán không dùng tiền mặt, có áp dụng trong một số ngành nghề lĩnh vực. Trong đó phải kể đến quy định tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt...

Quy định của pháp luật về việc thanh toán hiện nay về cơ bản là các chủ thể có quyền tự do lựa chọn phương thức thanh toán bằng tiền mặt hoặc thanh toán qua phương tiện trung gian thanh toán. Tuy nhiên, chỉ có những ngành nghề, lĩnh vực, những trường hợp pháp luật có quy định là buộc phải thanh toán qua hình thức chuyển khoản thì mới thực hiện quy định này. 

Trong lĩnh vực giáo dục thì luật và các văn bản dưới luật hiện nay không có quy định bắt buộc là phải thu nộp, thanh toán qua hình thức chuyển khoản. Bởi vậy, địa phương không được phép đưa ra quy định cấm đoán, ngăn cản việc sử dụng tiền mặt.

Văn bản của Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc cần phải xem xét lại quy định hạn chế, yêu cầu 100% không sử dụng tiền mặt ở các cơ sở giáo dục, để đảm bảo pháp luật được áp dụng thống nhất, đảm bảo thuận tiện cho các phụ huynh học sinh cũng như cho nhà trường trong việc thu nộp các khoản thu đầu năm".

Tào Nga
Theo Dân Việt //