Xúc động bức thư nguệch ngoạc của con trai "bác sĩ 91" gửi ba ở "chiến trường" Bắc Giang
Sau một ngày mệt nhoài vất vả điều trị cho các ca bệnh mắc COVID-19 nặng, nhận được lá thư của cậu con trai 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1 động viên mình, bác sĩ Trần Thanh Linh không khỏi xúc động.
Cuối ngày hôm qua, sau một ngày vất vả điều trị, hồi sức và cấp cứu cho các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng ở Bắc Giang, bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy bất ngờ nhận được lá thư của cậu con trai 6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 gửi cho ba ở ngoài "chiến trường".
Những nét chữ đầu đời nguệch ngoạc của cậu con trai đã khiến nam bác sĩ dày dạn kinh nghiệm nơi tuyến đầu phải xúc động rơi nước mắt. Trong thư, cậu con trai bày tỏ nỗi nhớ ba và gọi anh với biệt danh thân thương là "ba 91" .
Theo bác sĩ Thanh Lanh, 2 năm ròng anh đã cùng các đồng nghiệp lăn ra "chiến trường". Anh mong đợt dịch lần thứ 4 này sẽ sớm ổn định, để anh kịp về nhà dắt con vào lớp 1.
Bức thư của con trai gửi bác sĩ Trần Thanh Linh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
"Tôi và nhiều anh em đồng nghiệp khác ở Bệnh viện Chợ Rẫy từng có bốn tháng gần như liên tiếp không về nhà. Đôi khi chúng tôi nghĩ tại sao mình lại làm được như vậy? Có lẽ là bởi chúng tôi có hậu phương vững chắc là những anh em đồng nghiệp luôn ở phía sau ủng hộ, luôn nhắn tin động viên.
Gia đình vợ con luôn ủng hộ, gánh vác phần việc khi mình vắng nhà. Và đặc biệt, các cấp lãnh đạo cũng đến thăm hỏi, động viên, an ủi người thân để anh em yên tâm đi tuyến đầu chống dịch", bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ.
BSCK 2 Trần Thanh Linh - Trưởng đoàn Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy ra Bắc Giang tham gia trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Ảnh: Ngọc Mai
Cũng theo bác sĩ Thanh Linh, trong "chiến trường" Đà Nẵng năm ngoái, anh gần như không dám gọi về nhà bởi mỗi lần nghe con hỏi khi nào ba về đều xót xa, nhớ nhà lắm. Nhưng rồi mỗi buổi sáng, khi vào bệnh viện, các bệnh nhân nặng chưa thoát được nguy hiểm, anh cũng như đồng nghiệp lại lao đầu vào công việc và không nghĩ gì cho mình nữa. Anh chỉ mong sao mong dập tắt dịch, cứu được nhiều người.
"Tôi vẫn nói với mọi người, có thể chiến trường, chiến tranh có tiếng súng còn chiến trường nơi vùng dịch chỉ là tiếng còi xe cứu thương liên tục và các chiến sĩ áo trắng vẫn ngày đêm làm nhiệm vụ. Những lúc này với chúng tôi, động lực lớn nhất để có thể chiến đấu là tinh thần đoàn kết vì cuộc sống bình an. Chúng tôi quyết tâm mang lại sự bình yên để mọi người có thể yên tâm trở lại cuộc sống bình thường", bác sĩ Thanh Linh cho hay.
Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) được mọi người đặt biệt danh "bác sĩ 91" vì gắn liền với bệnh nhân mắc COVID-19 có số thứ tự 91 tại Việt Nam. Không chỉ tham gia điều trị bệnh nhân số 91, dập dịch ở TP.HCM, khi làn sóng dịch thứ 2 xảy ra mà tâm dịch là Đà Nẵng, bác sĩ Trần Thanh Linh và nhiều đồng nghiệp Bệnh viện Chợ Rẫy đã tự nguyện cùng nhau ra tuyến đầu. Ngày 26/5, bác sĩ Thanh Linh làm trưởng đoàn Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy ra Bắc Giang tham gia trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Đến thời điểm hiện tại, theo bác sĩ Trần Thanh Linh, đội ngũ y bác sĩ Chợ Rẫy đã quen với công việc và đang kiểm soát được tình hình điều trị những ca nặng tại Bắc Giang. Anh hy vọng góp phần cùng Bắc Giang dập dịch nhanh chóng và hạn chế trường hợp tử vong đáng tiếc. |