Xuất khẩu Việt Nam giảm 'sốc' hơn 10 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 3 tháng năm 2023 đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8%, tương đương gần 10 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu suy giảm mạnh về giá trị, mất 10 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm
Cụ thể, có 37/45 ngành hàng, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam suy giảm giá trị, đáng kể có những mặt hàng giảm trên 40% đến gần 100% giá trị kim ngạch.
Xuất khẩu của Việt Nam suy giảm hơn 10 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm do doanh nghiệp khó khăn, mất đơn hàng.
Đơn cử như phân bón các loại giảm giá trị xuất khẩu trên 40%, mặt hàng than xuất khẩu suy giảm 98,6% giá trị xuất khẩu, chỉ đạt 1 triệu USD.
Nhiều ngành, lĩnh vực khác chứng kiến đà suy giảm xuất khẩu mạnh như thủy sản giảm 27,3% kim ngạch, cao su giảm 35,7%, các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ như sản phẩm mấy tre, cói, thảm, gỗ và sản phẩm gỗ cũng suy giảm kim ngạch trên 30%.
Đáng buồn là các sản phẩm như dệt may, dày dép 3 tháng đầu năm cũng bị suy giảm trên 17% so với cùng kỳ. Trong đó, giày dép xuất khẩu của Việt Nam 3 tháng đạt 4,3 tỷ USD, giảm gần 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng sắt thép các loại cũng suy giảm chỉ xuất được khoảng 1,7 tỷ USD, giảm gần 25% so với cùng kỳ. Điện thoại, mặt hàng xuất khẩu tỷ USD chủ lực của Việt Nam, tuy nhiên 3 tháng đầu năm chỉ xuất được khoảng 13,4 tỷ USD, suy giảm gần 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Hải quan, việc suy giảm xuất khẩu nguyên nhân chính bởi doanh nghiệp giảm đơn hàng xuất khẩu từ quý IV/2022 đến quý I/2023. Bên cạnh đó, do chênh lệch tỷ giá gia tăng, doanh nghiệp dù đẩy mạnh xuất khẩu về lượng song khó gia tăng được giá trị xuất khẩu.
Đơn cử, mặt hàng cao su của Việt Nam xuất đi, lượng chỉ giảm 6,1%, song trị giá suy giảm hơn 25,7%; một mặt hàng khác là sắt thép xuất khẩu tăng nhẹ 1,4% về lượng, song giá trị kim ngạch lại giảm gần 25% so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Ngỗ Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản khẳng định: Vấn đề doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam quan tâm nhất lúc này là tìm kiếm thêm thị trường, khách hàng và gia tăng đơn hàng. Thị trường suy giảm, đơn hàng không có trong khi chi phí sản xuất ngày càng gia tăng. Ngành gỗ giảm sâu vì chủ yếu định hướng xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang Mỹ.
"Cầu giảm nên doanh nghiệp làm cầm chừng, đa số doanh nghiệp phải ngóng chờ thời xem quý II, quý III có khá hơn so với quý I/2023. Vấn đề mất đơn hàng, giảm giá trị xuất khẩu được dự báo từ trước do tổng cầu từ các thị trường giảm sút, điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế, doanh nghiệp nói chung", ông Hoài nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, chênh lệch tỷ giá và chuỗi cung ứng toàn cầu đang suy giảm, việc doanh nghiệp Việt mất đơn hàng đã được cảnh báo từ trước bởi hầu hết trong số họ là ký kết hợp đồng gia công, thầu phụ cho đối tác nước ngoài.
Ông Doanh cũng cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, biện pháp hiện nay cần làm là giảm chi phí vay vốn thông qua giảm lãi suất, gia tăng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhằm giải quyết tình trạng nhà băng thừa tiền, doanh nghiệp đói vốn. Bên cạnh đó, cần duy trì chính sách là giãn, hoãn thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp hoặc chi phí thuê đất... để giảm áp lực đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cần hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội tìm kiếm thị trường mới, đơn hàng mới bằng các biện pháp chào hàng, mở triển lãm giới thiệu sản phẩm... Đây là biện pháp về lâu dài cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa trong khu vực.