Xử lý thế nào với đối tượng nghi bị tâm thần chém người họ hàng ở Hà Nội?
Luật gia đã có những phân tích về vụ việc đối tượng nghi bị tâm thần chém người họ hàng tử vong ở Hà Nội.
Ngôi nhà nơi xảy ra vụ án mạng
Trước đó, vào ngày 13/10, Đỗ Văn Đạt (SN 1988, trú tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cùng người thân làm giỗ cho người bố. Chiều cuối ngày, sau khi đã sử dụng rượu bia, đối tượng vào nhà nghỉ ngơi.
Trong lúc này, một số người họ hàng ngồi nói chuyện có nhắc đến vấn đề đưa Đạt vào trong Bệnh viện Tâm thần Ba Thá (huyện Ứng Hoà, Hà Nội) để chữa trị do thời gian này, bệnh tình của Đạt tái phát.
Khi nghe được thông tin trên, Đạt nổi điên trong người, đập phá đồ đạc trong nhà và vác ra một cây quắm vung lên chém mọi người. Phát hiện sự việc, ông Đỗ Ngọc L. (một người họ hàng) lên tiếng can ngăn, khuyên giải liền bị Đạt dùng quắm chém nhiều nhát. Vết thương nặng khiến nạn nhan tử vong tại chỗ.
Ông Hà Danh H. (hàng xóm của Đạt) chạy sang để can ngăn cũng bị đối tượng dùng hung khí chém bị thương ở phần cánh tay. Sau khi gây án, đối tượng mang theo hung khí chạy vào nhà đóng cửa và cố thủ bên trong. Phát hiện sự việc, người dân đã thông báo với cơ quan chức năng địa phương, tiến hành bắt giữ hung thủ.
Được biết đối tượng Đỗ Văn Đạt có dấu hiệu của bệnh tâm thần và cũng từng nhiều lần được người thân đưa đi chữa trị.
Liên quan đến thông tin này, dư luận đặt ra câu hỏi với hành vi sát hại 1 người và làm 1 người khác bị thương, đối tượng Đạt có phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có bệnh tâm thần?
Luật sư Đặng Văn Cường
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã có những phân tích về vụ việc dưới góc nhìn pháp lý.
Theo Luật sư Cường, trong trường hợp những vụ án mạng mà đối tượng gây án có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức thì cơ quan điều tra vẫn tiến hành thủ tục giữ người trong trường hợp khẩn cấp và thực hiện các biện thu thập các thông tin về đối tượng để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
Còn trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng có tiền sử bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu rõ ràng của bệnh tâm thần thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành thủ tục trưng cầu giám định tâm thần với đối tượng để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
“Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối tượng đá mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức thì đối tượng sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh”, Luật sư Cường cho biết.
Cũng theo Luật sư Cường thông tin, trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối tượng chị bị hạn chế khả năng nhận thức thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt khi lượng hình.
Việc có thực hiện hoạt động giám định tâm thần hay không phụ thuộc vào biểu hiện cụ thể của hành vi trước trong và sau thời điểm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và tiền sử bệnh tật của đối tượng đó cũng như những người thân, những người sống trong gia đình của đối tượng.