Xử lý nhiều người đăng thông tin sai lệch 'nhà sư ăn thịt chó' trên mạng xã hội
Ngày 3/3, Công an huyện Củ Chi cho biết đang tiến hành lập hồ sơ, xử lý nhiều cá nhân có thông tin sai lệch về vụ việc ông Minh Phúc phát ngôn, đưa lên mạng xã hội.
Ngày 3/3, Công an huyện Củ Chi (TP HCM) cho biết đã lập danh sách và mời một số người livestream, quay clip đăng trên mạng xã hội Youtube về hoạt động liên quan đến việc đăng tải thông tin phát ngôn của ông Nguyễn Minh Phúc (còn gọi là Tâm Phúc, ngụ ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi). Đây là người gần đây xuất hiện trên mạng xã hội với biệt danh "thầy chùa ăn thịt chó".
Theo công an, trong khoảng một tháng qua đã có hơn 500 video đăng tải xoay quanh câu chuyện nói trên gây ra những phản ứng trái chiều, tranh cãi trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương. Hiện tại đã có 5 người quay clip trên Youtube được công an mời làm việc và đề nghị thực hiện việc tháo bỏ thông tin không chính xác. Trong đó có hình ảnh đánh nhau, dùng lời lẽ tục tĩu...
Ông Phúc mặc trang phục Phật giáo, ăn thịt cá.
Cũng trong ngày 3/3, Thượng tọa Thích An Thường, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Củ Chi gửi văn bản đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm những cá nhân trong vụ việc trên, nhất là những cá nhân làm ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội Phật giáo. Thượng tọa Thích An Thường cho rằng, thời gian qua, trên một số kênh Youtube truyền tải rất nhiều những video clip ông Nguyễn Minh Phúc mặc áo tu sĩ Phật giáo có những phát ngôn trái với truyền thống Phật giáo Việt Nam, xúc phạm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam....
Lực lượng chức năng xác định ông Phúc sử dụng các loại giấy tờ, quyết định giả mạo để tự xưng là tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nơi ở của ông Phúc tại ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung là nhà dùng để ở, không phải cơ sở thờ tự tôn giáo, không có cơ sở gọi là chùa Hoằng Pháp Trung Ương. Những phát ngôn của ông Nguyễn Minh Phúc đăng tải trên các kênh Youtube là trái với truyền thống và xúc phạm nghiêm trọng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trước đó ít lâu, UBND huyện Củ Chi đã ra văn bản đề nghị ông Phúc tự tháo dỡ các bảng hiệu treo tại nhà ghi là chùa Hoằng Pháp Trung ương và tượng Phật. Nếu không chấp hành sẽ có biện pháp cưỡng chế.
Ngoài ra, UBND huyện Củ Chi kiến nghị Sở Thông tin Truyền thông, Công an TP HCM xử lý các kênh Youtube đã đăng tải các video clip phát ngôn trái với truyền thống Phật giáo, xuyên tạc Phật giáo của ông Nguyễn Minh Phúc. Tất cả các video clip này phải tháo gỡ khỏi các trang Youtube; đồng thời nghiêm cấm các kênh Youtube đến nhà ông Phúc ghi hình đăng thông tin những hoạt động, phát ngôn của ông Phúc.