Xử lý nghiêm việc kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, quảng cáo sai, tăng giá trục lợi trong phòng, chống Covid-19
Trước tình trạng nhập lậu, sản xuất hàng giả, tăng giá trục lợi, quảng cáo sai sự thật... về thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19 thời gian qua, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) đã đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Từ tăng giá trục lợi đến thuốc giả, thuốc nhập lậu
Dư luận hẳn vẫn còn nhớ sản phẩm Covir của công ty Sao Thái Dương và thuốc Xuyên Tâm Liên đã tăng giá bất thường, gấp nhiều lần trên thị trường trong nửa cuối tháng 7/2021, thời điểm "nhũng nhiễu" thông tin về 12 loại thuốc, sản phẩm cổ truyền phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19.
Mặc dù Bộ Y tế đã thu hồi công văn về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu chỉ sau 2 ngày ban hành, nhưng giá của một số sản phẩm trong danh sách 12 loại thuốc đã không ngừng "nhảy nhót". Giá thuốc tăng từ doanh nghiệp sản xuất, đến thị trường khan hiếm hàng càng làm cho những mặt hàng này bị đẩy giá lên cao.
Đối tượng Nguyễn Đức Thuận bị cáo buộc cùng đồng bọn tổ chức đường dây sản xuất, buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả. Ảnh:A.T
Hay như mới đây, thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra thực tế 4 lô hàng vi phạm nhập khẩu từ Nga về sân bay quốc tế Nội Bài ngày 17 và 24/8.
Kết quả khám xét, lực lượng chức năng thu giữ 180 bộ kit test nhanh Covid-19 và 330 hộp thuốc Arbidol - mặt hàng được quảng cáo trên thị trường dùng trong điều trị Covid-19. Được biết, Arbidol là thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị bệnh cảm cúm ở Nga và Trung Quốc.
Theo Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc, mặt hàng thuốc và kit test Covid-19 là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu, nhưng thời điểm kiểm tra, 4 lô hàng trên không có giấy phép theo quy định.
Chưa hết, dư luận cũng không khỏi giật mình với vụ thu giữ hơn 630.000 viên thuốc tân dược giả điều trị Covid-19, sản xuất trong nhà vệ sinh vừa được công an TP.HCM triệt phá.
Trước đó, qua điều tra theo dõi, Công an TP. HCM đã phát hiện đối tượng Nguyễn Đức Thuận (SN 1975, thường trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và đồng bọn có dấu hiệu buôn bán thuốc tân dược không rõ nguồn gốc, thuốc tân dược giả, trong đó có một số loại thuốc khan hiếm trên thị trường hiện nay có chức năng hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19.
Ngày 20/8, cơ quan công an phát hiện Thuận chở 1 thùng carton nghi vấn chứa thuốc tân dược giả nên tiến hành kiểm tra, phát hiện 150 hộp thuốc điều trị Covid-19 hiệu Terpin Codein. Thuận khai nhận đây là thuốc tân dược giả; do Thuận tự mua nguyên liệu, đem về sản xuất rồi bán ra thị trường kiếm lời.
Khám xét khẩn cấp tại 3 địa điểm là nơi sản xuất, tàng trữ, buôn bán thuốc tân dược giả tại các quận Phú Nhuận, Tân Bình, quận 8, cơ quan Công an đã tạm giữ số lượng lớn nguyên liệu gồm hơn 630.000 viên thuốc tân dược giả các loại và công cụ, phương tiện sản xuất.
Khám xét tại một căn nhà trong hẻm 63 đường Lê Văn Sỹ, Phường 13, quận Phú Nhuận, lực lượng chức năng đã phát hiện số lượng lớn thuốc tân dược giả. Ảnh: TTXVN
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Theo nhận định của Cục quản lý Dược (Bộ Y tế), qua kiểm tra thực tế và phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn còn xảy ra hiện tượng một số tổ chức cá nhân kinh doanh thuốc dùng trong phòng chống Covid-19 không rõ nguồn gốc, thuốc giả, quảng cáo thuốc không đúng quy định, quảng cáo quá công dụng của thuốc, lợi dụng tình hình Covid-19 để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Nhằm ngăn chặn các hiện tượng trên, ngày 1/9, Cục Quản lý Dược đã ban hành công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định trong sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19. Xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thông tin quảng cáo thuốc không đúng quy định, quảng cáo thuốc quá công dụng, tăng giá thuốc bất hợp lý. Trường hợp các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì lập hồ sơ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Bên cạnh đó, Cục yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc cần tuân thủ các quy định về thông tin, quảng cáo thuốc, thực hiện bình ổn giá các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19, không được lợi dụng tình hình để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.