Vụ lừa phụ huynh chuyển tiền: Sở GD&ĐT TP HCM nói gì về việc lộ thông tin học sinh?

10-03-2023 07:09:09

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP HCM đã phản hồi trước nghi vấn lộ, lọt thông tin của học sinh sau vụ nhiều phụ huynh nhận cuộc gọi lừa chuyển tiền để "mổ cấp cứu" cho con.

Thượng tá Lê Mạnh Hà – Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP HCM. Ảnh: Tạp chí Tri thức trực tuyến

Chiều 9/3, tại cuộc họp báo tình hình kinh tế - xã hội thành phố hàng tuần, Thượng tá Lê Mạnh Hà – Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP HCM cho biết, trong những ngày gần đây, Công an TP đã tiếp nhận tin báo, tố giác của người dân về việc bị một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn. Cụ thể là mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện điện thoại trực tiếp đến phụ huynh thông báo học sinh bị tai nạn đang được nhập viện cấp cứu tại bệnh viện.

Theo Thượng Tá Hà, tính đến ngày 9/3, Công an TP tiếp nhận 4 tin báo và 3 tố giác của người dân đến công an phường về các đối tượng mạo danh giáo viên, nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất điện thoại trực tiếp đến phụ huynh thông báo học sinh bị tai nạn đang được nhập viện cấp cứu. Trong đó, yêu cầu bị hại chuyển khoản và tài khoản do đối tượng cung cấp để tạm ứng  thanh toán viện phí.

Đơn cử, trong sáng ngày 8/3, công an huyện Củ Chi tiếp nhận 2 thông tin từ bà Trần Thanh Phấn (sinh năm 1981) ngụ tại Tỉnh lộ 15, ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi; ông Nguyễn Hoàng Anh (sinh  năm 1987), ngụ tổ 2, ấp Bàu Trăn, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi phản ánh bị các đối tượng yêu cầu chuyển khoản 100 triệu nhưng do tiếp cận thông tin từ trước nên không chuyển tiền.

Hiện công an huyện Củ Chi đang thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác minh thông tin, truy xét các đối tượng lừa đảo. Khi nhận thông tin về việc người thân đang bị tai nạn, người dân cần bình tĩnh, liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm tra, kiểm chứng thông tin.

Liên quan đến vấn đề để lộ, lọt thông tin của học sinh cho các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, đại diện Công an TP HCM cho biết thêm, thông tin cá nhân học sinh có thể bị lọt qua nhiều hình thức khác nhau: lỗ hổng bảo mật; dữ liệu do các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng thu thập làm lọt. Ví dụ như làm thẻ khách hàng ở các khu vui chơi, cửa hàng ăn uống, trung tâm ngoại ngữ,… Do đó, cần có quá trình điều tra, xác minh làm rõ.

“Thường thì các cơ quan nhà nước khi quản lý thông tin có quy luật chặt chẽ và có quá trình kiểm tra, bảo mật nên tính an toàn cao hơn. Công an TP chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an quận, huyện khẩn trương rà soát, điều tra, truy xét đối tượng để khám phá các vụ việc được phản ánh”, Thượng tá Hà nói.

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP HCM

Trong khi đó, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, khẳng định thông tin dữ liệu của ngành được thực hiện nghiêm ngặt, ghi nhận thông qua hệ thống nên không có việc lộ hay lọt thông tin học sinh.

Theo ông Minh, sau khi nhận tin báo, Sở đã phối hợp với nhà trường, phụ huynh để kiểm chứng, từ đó nhận thấy thông tin không khớp với thông tin được quản lý. Ví dụ, nhóm lừa đảo nói trẻ học lớp 7, nhưng thực tế em đã lên lớp 9. Tuy nhiên, nghe tin con gặp tai nạn, phụ huynh hoảng sợ, mất bình tĩnh nên thực hiện theo yêu cầu của người lạ mà không kiểm tra lại.

"Có những cuộc gọi đến nêu sai thông tin tên lớp, tên trường, nhưng phụ huynh vì quá lo lắng cho con vẫn tin tưởng chuyển tiền… Một số trường hợp phụ huynh chuyển tiền 2 lần rồi mới nhớ ra để liên lạc với giáo viên chủ nhiệm, khi đó, họ mới biết con đang học ở trường. Lẽ ra khi có thông tin, phụ huynh nên trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường.", ông Minh chia sẻ.

Ông Minh thông tin thêm, trong quá trình quản lý, mỗi lớp đều có giáo viên chủ nhiệm, nhà trường cũng có kênh để thông tin truyền thông. Phụ huynh khi nhận thông tin nên liên lạc trực tiếp lại với giáo viên hoặc nhà trường. Ngoài ra hiện nay, các trường có đường dây nóng và công khai số đường dây nóng trên cổng thông tin để phụ huynh liên hệ.

Bên cạnh đó, ông Minh cũng cảnh báo phụ huynh nên cẩn thận với các hội nhóm trên mạng xã hội. Một số phụ huynh có thể chia sẻ thông tin của mình và con lên các hội nhóm đó nên rất có thể sẽ thông tin bị lọt từ những kênh, hội nhóm đó.

Hiện Sở đang yêu cầu tất cả trường học trên địa bàn phải rà soát lại số điện thoại đường dây nóng của đơn vị, cung cấp đến phụ huynh học sinh, đăng trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục. Đường dây nóng phải luôn có người túc trực để phụ huynh liên hệ trong các trường hợp cần thiết.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //