Vụ Khaisilk: Ông Hoàng Khải có thể bị xử lý hình sự?
Sau scandal Khaisilk bán khăn "made in China", ông Hoàng Khải đã thừa nhận nhập khăn Trung Quốc từ những năm 90. Nhiều người thắc mắc ông này sẽ bị xử lý tội danh gì?
Vụ Khaisilk bán khăn made in China lừa dối người tiêu dùng khiến dư luận phẫn nộ. Ảnh KT&ĐT
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI) chia sẻ trên báo Tin tức, Nhà nước hoàn toàn có thể hình sự hoá vụ việc này.
Ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, hiện nay có nhiều ý kiến xung quanh việc áp dụng tội danh cho Hoàng Khải như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng hay làm hàng giả?
Để xác định tội gì cần làm rõ mức độ gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Cần xác định rõ Khaisil đã lừa bao nhiêu khách hàng và mức độ thiệt hại của người tiêu dùng là bao nhiêu.
Nếu kinh doanh lừa dối qua cả chục năm thì giá trị rất lớn, có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Một hành vi gian lận để thu lợi bất chính lên đến hàng chục tỷ đồng chẳng nhẽ không xứng đáng bị xử lý hình sự?
Không chỉ dừng lại ở việc gây thiệt hại cho những người mua khăn, hành vi của gắn mác sai lệch này còn gây một tác động dài hạn, to lớn hơn là gây mất lòng tin của người tiêu dùng vào những nhãn mác gắn trên sản phẩm, hàng hoá, từ đó làm thui chột những doanh nghiệp đang nỗ lực kinh doanh chân chính.
Tối qua, 30/10, tại lễ ra mắt Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời báo chí về việc Khaisilk lấy lụa Trung Quốc dán mác Việt Nam, theo báo Pháp luật TP. HCM.
“Đây là hành vi không thể chấp nhận được”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vụ Khaisilk có thể nói đó là thông tin không tốt lắm, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang có chủ trương khuyến khích phát triển doanh nghiệp và sản xuất hàng hóa trong nước như hiện nay.
“Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ Công thương kiểm tra, xử lý vụ việc. Đồng thời, Bộ Công thương cũng phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề liên quan đến buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập khẩu, đặc biệt là yêu cầu cơ quan quản lý phải vào cuộc mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có văn bản hỏa tốc đề nghị cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, cục Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin liên quan tới vụ việc Khaisilk.
Sau đó, cũng chính Bộ này đã yêu cầu chuyển vụ việc liên quan Khaisilk cho cơ quan công an điều tra, xử lý.