Vụ dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước: Luật sư nói gì?

15-10-2019 07:06:16

Theo luật sư, đơn vị cung cấp nước biết nguồn nước bị ô nhiễm vẫn bán cho khách hàng có thể xem xét hành vi vi phạm quy định trong quản lý vận hành...


Dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước ở suối Trâm trên Hoà Bình

Liên quan đến việc nước sạch ở Hà Nội có mùi lạ, ngày 14/10, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng, Bộ TN&MT đã thông tin sơ bộ về vụ việc ô nhiễm đầu nguồn nước sông Đà.

Theo đó, ở vùng thượng lưu sông Đà nơi cung cấp nguồn nước cho nhà máy xử lý nước sạch cung cấp cho Hà Nội có con suối Trâm chảy ra kênh nơi dẫn nước vào nhà máy xử lý, người dân khu vực phản ánh đã phát hiện có 1 xe tải 2,5 tấn đã đổ trộm dầu thải vào khu vực này thuộc địa bàn xã Phúc Tiến, Phú Minh (Kỳ Sơn, Hòa Bình).

Theo báo cáo từ Sở TN&MT Hoà Bình, ngày 9-10/10, Nhà máy nước sông Đà phát hiện ra dầu loang trên kênh dẫn nước, đã huy động người vớt dầu.

Theo ông Thức: "Doanh nghiệp cung cấp nước sạch, biết nguồn nước ô nhiễm mà vẫn cấp cho người dân thì phải chịu trách nhiệm".

Do vậy, Tổng Cục môi trường đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình sát sao kiểm soát, doanh nghiệp chủ động có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ xa như quây lưới. "Chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình và cơ quan cảnh sát truy tìm xe đổ trộm", ông Thức nói và đánh giá việc đổ trộm dầu như trên là "hành động vô trách nhiệm". 


Ở vùng thượng lưu sông Đà nơi cung cấp nguồn nước cho nhà máy xử lý nước sạch cung cấp cho Hà Nội

Trước sự việc trên, trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Hà Nội) cho biết, đối với việc để dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước làm ô nhiễm hồ Đồng bài với khối lượng 300.000 m3/ ngày đêm gây hậu quả nghiêm trọng như trên.

Nếu đối tượng là cá nhân mà thực hiện với Lỗi cố ý nhằm mục đích làm ô nhiễm nguồn nước của nhà máy cấp nước sinh hoạt gián tiếp thiệt hại cho người dân thì có thể bị xử lý hình sự với tội danh “tội gây ô nhiễm môi trường” theo điều 235 bộ luật hình sự 2015.

Nếu là pháp nhân thương mại hoặc tổ chức có thể xử phạt theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của CP quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 235, điều 237 của BLHS 2015.

Ngoài ra chủ thể vi phạm này còn bị phạt tiền với mức phạt trên 50 triệu đồng, Bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động Vĩnh viễn và Buộc khôi phục khắc phục xử lý ô nhiễm trả lại tình trạng như ban đầu khi chưa bị ô nhiễm.

Đối với công ty Viwasupco, nếu đã biết nguồn nước bị ô nhiễm chưa khắc phục mà vẫn cố tình cũng cấp nước bẩn không đảm bảo chất lượng cho khách hàng với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nói trên thì hành vi đó của doanh nghiệp cần cá thể hoá trách nhiệm của cá nhân người quản lý có nghĩa vụ đã chỉ đạo vẫn cố tình vận hành cấp nước bẩn.

Khi cá thể hoá được người có quyền hạn của đơn vị ViWasupco có thể xem xét hành vi vi phạm quy định trong quản lý vận hành được đơn vị giao gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc đồng phạm với tôi gây ô nhiễm môi trường nguồn nước sinh hoạt theo điều 235 BLHS 2015.

Trường hợp này doanh nghiệp ViWAsupco bị xử phạt vi phạm hành chính còn phải chịu nghĩa vụ bồi thường theo hợp đồng cung cấp đã ký và theo quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành. Buộc Viwasupco khắc phục khẩn cấp những sự cố này ngay lập tức đảm bảo ổn định sinh hoạt đời sống hàng triệu hộ gia đình nhân dân bị ảnh hưởng.


Theo Đời sống Plus/GĐVN //