Vụ 'bỏ bom' 150 mâm cỗ cưới: 'Cô dâu' là khách quen và rất sòng phẳng
Chị Tuyết (vợ của chủ nhà hàng Tâm Phúc - cửa hàng bị "bỏ bom" 150 mâm cỗ cưới tại tỉnh Điện Biên) cho biết, vào sáng 30/9, cô dâu còn ra thử váy cưới, thuê trang điểm và không có biểu hiện gì bất thường.
Phông bạt, mâm cỗ được chuẩn bị đầy đủ nhưng gia đình cô dâu, chú rể chẳng thấy đâu. Ảnh NLĐ.
Sáng 1/10, trao đổi với Báo Người Lao Động, anh Vũ Thế Long (SN 1986; ngụ tại số nhà 29, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) - chủ nhà hàng bị "bỏ bom" 150 mâm cỗ cưới gây xôn xao dư luận, cho biết đến thời điểm này gia đình vẫn chưa gặp được người đặt cỗ cưới để làm rõ nguyên nhân vì sao họ đặt tiệc cưới rồi không tới.
"Giờ gia đình tôi cũng muốn biết nguyên nhân tại sao "cô dâu" (chị Lò Thị U. - PV) cũng như chú rể lại làm như vậy. Gia đình không có thù oán gì với họ cả. Hôm đến đặt cỗ có mình "cô dâu" tới đặt cỗ, còn 1 số điện thoại xưng là bố cô dâu và 1 số điện thoại khác gọi điện xưng là chú rể cũng gọi điện cho nhà hàng nên chúng tôi tin tưởng"- anh Long nói.
Cũng theo anh Long, "cô dâu" là khách quen của nhà hàng và thường xuyên đến đây ăn uống, khi ăn xong thanh toán rất sòng phẳng và không bao giờ nợ lại một đồng nào cả. Cách đây không lâu, bạn ấy đã đặt 150 mâm cỗ để tổ chức đám cưới và báo đủ ngày giờ là 11 giờ trưa ngày 30/9 dương lịch (tức 14/8 âm lịch). Giá tiền là 1,3 triệu đồng/mâm.
Hình ảnh nhà hàng tiệc cưới kêu gọi giải cứu. Ảnh: FB
"Chúng tôi cũng chỉ biết nhà cô U. ở xã Mường Phăng và nhà chú rể ở xã Thanh Nưa (thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Do là khách quen nghĩ rằng gia đình "cô dâu" tin tưởng và ủng hộ nhà hàng nên không có đặt cọc tiền cỗ cưới trước. Nhưng không nghĩ lại xảy ra sự việc như thế này"- anh Long nói.
Trước đó, tối 30/9, trao đổi với PV báo Dân Sinh, chị Tuyết (vợ của chủ nhà hàng Tâm Phúc - cửa hàng bị "bỏ bom" 150 mâm cỗ cưới tại tỉnh Điện Biên) cho biết, vào sáng 30/9, cô dâu còn ra thử váy cưới, thuê trang điểm và không có biểu hiện gì bất thường.
Theo chị Tuyết, từ trước đến giờ nhà hàng chị chưa gặp trường hợp nào như hôm nay. Do cô dâu là khách quen và từng ăn nhiều lần nên gia đình chị đã không nhận cọc tiền trước. "Hôm đến đặt cỗ có mình cô dâu tới đặt. Sau đó, còn 1 số điện thoại xưng là bố cô dâu và 1 số điện thoại khác gọi điện xưng là chú rể cũng gọi điện cho nhà hàng nên chúng tôi càng tin", chị Tuyết nói.
Thiệt hại 150 mâm cỗ và dựng rạp (phông, bàn ghế) và thuê nhân viên phục vụ cũng mất khoảng hơn 200 triệu đồng. Sau khi bị "bỏ bom" cỗ, để gỡ gạc vốn, gia đình và mọi người đã kêu gọi người dân trên địa bàn thành phố đến "giải cứu" cỗ. Số tiền gia đình chị nhận được sau khi thanh lý 150 mâm cỗ là 30 triệu đồng.