Vợ bị bắt cóc, chồng đâm chết người để bảo vệ: Tình huống nào người chồng được miễn trách nhiệm hình sự?
Đang hái dừa sau nhà, nghe tiếng kêu cứu của vợ, anh Trần Ngoại Giao vội chạy lên thì bị nhóm đối tượng lạ dùng bình xịt hơi cay vào mặt. Trong cơn hoảng loạn, người đàn ông này đã cầm thanh sắt nhọn đâm loạn xị khiến một người chết, hai người bị thương.
Công an tỉnh Vĩnh Long đang tạm giữ hình sự Trần Ngoại Giao (30 tuổi, trú tại xã Long An, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) để điều tra về hành vi "Giết người". Trưa 15/11, một nhóm người đi trên xe ô tô 7 chỗ dừng trước quán cà phê Nam Giao (quốc lộ 53, xã Long An, huyện Long Hồ) rồi vào bên trong khống chế, bắt giữ chị Võ Thị Thúy Hằng (29 tuổi, vợ anh Giao) định đưa lên xe tẩu thoát.
Thời điểm này, anh Giao đang hái dừa phía sau vườn nghe tiếng vợ la hét nên lao ra giải cứu. Bị nhóm đối tượng chống trả bằng cách xịt hơi cay vào mặt nên anh Giao cầm thanh sắt có mũi nhọn đâm loạn xạ về nhóm các đối tượng đang bắt vợ. Hậu quả làm một người chết và hai người bị thương. Ngay sau đó, anh Giao đến cơ quan công an đầu thú.
Hình ảnh nhóm đối tượng bắt giữ chị Hằng và dùng bình xịt hơi cay để đe dọa anh Giao (ảnh cắt từ clip)
Chia sẻ về vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, theo thông tin từ phía cơ quan chức năng thì nhóm đối tượng lạ mặt gồm 7 người do mẹ đẻ của chị Hằng thuê đến để cưỡng ép lên xe. Khi nghe tiếng vợ la hét, anh Giao đã chạy đến cứu giúp thì bị nhóm đối tượng dùng bình xịt hơi cay tấn công.
Lúc này, anh Giao dùng thanh sắt đánh trả lại dẫn đến hậu quả có 2 đối tượng bị thương và 1 đối tượng tử vong. Nếu thông tin trên là chính xác thì có thể khởi tố mẹ đẻ của chị Hằng và các đối tượng trên về tội bắt giữ người trái pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng sẽ xem xét hành vi của anh Giao có thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự hay không.
"Để giải quyết vụ án này thì cơ quan điều tra cần làm rõ diễn biến hành vi của các bên, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực, mức độ đe dọa uy hiếp, gây nguy hiểm cho nhau của hai bên. Làm rõ ý thức chủ quan, tương quan lực lượng và hậu quả để xác định hành vi bắt giữ người trái pháp luật của nhóm đối tượng nêu trên và hành vi của anh Giao có phải là phòng vệ chính đáng hay không, hành vi có thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự hay không?
Pháp luật Việt Nam có đầy đủ các quy định để bảo vệ quyền tự do thân thể, quyền cư trú của công dân. Theo đó mọi việc bắt, giữ, giam người đều phải theo trình tự thủ tục luật định, do người có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật. Việc cá nhân tổ chức nhiều người, sử dụng hung khí đến bắt giữ người khác mang đi khỏi nơi cư trú của họ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đây là hành vi bắt, giữ người trái pháp luật đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo (Điều 157, BLHS 2015)", luật sư Cường phân tích.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc cá nhân tổ chức nhiều người, sử dụng hung khí đến bắt giữ người khác mang đi khỏi nơi cư trú là hành vi vi phạm pháp luật
Cũng theo luật sư Cường, đối với hành vi của anh Giao, làm rõ tình huống sử dụng vũ lực, mức độ sử dụng vũ lực để xác định hành vi của anh này có được loại trừ trách nhiệm hình sự hay không? Theo quy định của pháp luật thì hành vi bắt người phạm tội quả tang, phòng vệ chính đáng là một trong các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của nhóm đối tượng bắt giữ người trái pháp luật này, những hung khí, vũ khí mà nhóm đối tượng này sử dụng, mục đích bắt giữ người và việc tấn công lại người chồng này thực hiện như thế nào, quá trình thực hiện hành vi giữa hai bên diễn ra như thế nào?...
Trong trường hợp nhóm đối tượng đến bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của người vợ, khi người chồng yêu cầu nhóm đối tượng thả người thì các đối tượng không những không thả mà lại còn sử dụng hung khí, công cụ hỗ trợ tấn công lại người đàn ông này thì pháp luật cho phép người đàn ông này có quyền phòng vệ, tự vệ (được chống trả một cách cần thiết, triệt tiêu sức tấn công của đối phương để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho bản thân và cho vợ mình).
Tuy nhiên, hành vi sử dụng vũ lực phải đáp ứng những điều kiện như: Bản thân mình hoặc người khác đang bị tấn công, việc sử dụng vũ lực nhằm mục đích tự vệ, tránh thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của bản thân. Việc sử dụng vũ lực ở mức độ cần thiết, khi không còn nguy hiểm nữa thì không được phép tiếp tục sử dụng vũ lực. Sử dụng vũ lực ở mức độ cần thiết, nhằm tự vệ thì mới là phòng vệ "chính đáng".
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi "chống trả lại" này là "cần thiết" hay không, có "vượt quá" khả năng mà pháp luật cho phép hay không. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi này là phòng vệ chính đáng, việc sử dụng vũ khí "chống trả lại một cách cần thiết" thì anh Giao sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự (dù có người đã thiệt mạng và thương tích).
"Trong trường hợp người chồng được phép sử dụng vũ lực nhưng đã có hành vi chống trả quá mức cần thiết, ví dụ như các đối tượng đã bỏ chạy, không còn nguy hiểm nữa nhưng vẫn tiếp tục đuổi theo, tấn công gây thương tích hoặc thiệt mạng cho các đối tượng thì hành vi này là giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc hoặc hành vi là giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh. Với những tình huống này thì người chồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh tương ứng.
Một điều đáng chú ý là Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung tình huống công dân được phép dùng vũ lực, thậm chí gây thương tích cho đối tượng phạm tội quả tang trong quá trình bắt giữ. Do đó, nếu hành vi của nhóm đối tượng đó là bắt giữ người trái pháp luật, có dấu hiệu phạm tội quả tang thì người chồng của nạn nhân hoặc bất kỳ ai cũng có quyền bắt giữ, có quyền dùng vũ lực trong phạm vi pháp luật cho phép", luật sư Cường chia sẻ.