Vì sao ứng dụng AirVisual cảnh báo ô nhiễm môi trường bỗng dưng biến mất?
Theo thông tin phản ánh của độc giả, từ đêm ngày 6/10, người dùng mạng không thể tìm thấy ứng dụng đo chất lượng không khí AirVisual trên 2 kho ứng dụng AppStore và CH Play Việt Nam.
Ứng dụng đo ô nhiễm bỗng nhiên biến mất
Tương tự, trang fanpage của AirVisual tại Việt Nam cũng không thể truy cập. Tuy nhiên, ứng dụng đã cài trên điện thoại trước đó vẫn sử dụng bình thường và các chỉ số ô nhiễm vẫn được cập nhật liên tục.
Từ sự nghi ngờ tính trung thực của các chỉ số ô nhiễm liên tục báo động nguy hại sức khỏe liên tục thay đổi trong thời gian qua, người dân đã đưa ra không ít thông tin tố cáo những chỉ số ô nhiễm liên tục thay đổi là không có căn cứ.
Ông Trần Văn Tâm (48 tuổi, ở Thanh Xuân) cho rằng, trong bối cảnh các cơ quan quản lý nhà nước cảnh báo về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nhiều vụ cháy liên tiếp xảy ra thì ứng dụng đo chất lượng không khí AirVisual bỗng dưng xuất hiện. Ứng dụng này liên tục đưa ra các chỉ số ô nhiễm ở mức báo động.
"Không thể phủ nhận AirVisual có số liệu cảnh báo luôn thay đổi, lúc thì màu vàng (ô nhiễm trung bình), lúc thì màu đỏ (có hại cho sức khỏe). Thậm chí, tôi theo dõi, có những buổi sáng, trời vừa mưa xong mà ứng dụng này vẫn cảnh báo mức độ ô nhiễm màu tím (rất có hại cho sức khỏe)", ông Tâm bức xúc.
Cũng theo ông Tâm: "Chỉ tự cảm nhận cũng thấy, Hà Nội không thể là thành phố sạch nhưng ô nhiễm ở mức độ nào cũng cần phải đưa ra được căn cứ khoa học. Tôi chưa nghe AirVisual dựa vào đâu để cập nhật dữ liệu liên tục, vậy số liệu cảnh báo đó lấy ở đâu ra. Chưa kể, chiều tối ngày 6/7, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng biến mất khỏi danh sách xếp hạng ô nhiễm trong vài giờ".
Anh Đỗ Tuấn (43 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Nói Hà Nội ô nhiễm là đúng nhưng không phải năm nay mới bắt đầu ô nhiễm. Thế nhưng, ứng dụng đo chất lượng không khí bỗng dưng xuất hiện, đưa ra các chỉ số ô nhiễm báo động đứng top thế giới thì chúng ta cần xuy xét lại tính trung thực của thông tin.
Trang cá nhân của ai cũng tràn ngập từ ảnh chụp các chỉ số màu đỏ đến màu tím là chúng ta đang vô tình đưa những kết quả chưa có căn cứ này thành thật. Hậu quả là khách du lịch sẽ nghĩ về môi trường ở Việt Nam như thế nào? Sẽ thật tệ nếu các trang về du lịch, các đơn vị lữ hành khuyến cáo công dân/ khách du lịch không nên đến Việt Nam?".
Theo anh Tuấn, qua tìm hiểu, IQAir (AirVisual) là một công ty tư nhân có trụ sở ở Thụy Sĩ và Hoa Kỳ (Private Company) chuyên cung cấp máy móc và dịch vụ trong lĩnh vực ô nhiễm không khí. Trong đó, dịch vụ và sản phẩm nổi bật của công ty này là máy lọc không khí trong phòng (nhà ở); hệ thống làm sạch không khí thương mại lớn; máy đo nồng độ ô nhiễm không khí; giám sát và xác minh làm sạch không khí…
"Bằng chứng là ở trong ứng dụng AirVisual hiện đang rao bán sản phẩm máy giám sát không khí, khẩu trang với giá từ hơn 1 triệu cho đến gần 10 triệu đồng. Cùng thời điểm ứng dụng biến mất trong kho ứng dụng Việt Nam thì AirVisual "đăng đàn" giải thích về căn cứ dữ liệu ô nhiêm. Điều này không thuyết phục tôi", anh Tuấn thẳng thắn.
AirVisual nói gì về căn cứ chỉ số ô nhiễm?
Theo ghi nhận của PV, đến thời điểm chiều ngày 7/9, mức độ ô nhiễm tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang ở ngưỡng trung bình (màu vàng, chỉ số AQI từ 52 – 99). Hai địa điểm này từng nằm trong top đầu ô nhiễm, do AirVisual xếp hạng, với chỉ số chất lượng không khí luôn ở ngưỡng cảnh báo có hại (AQI dao động từ 155 – hơn 200).
Cùng thời điểm ứng dụng AirVisual biến mất khỏi kho ứng dụng Việt Nam thì trên website của mình, IQAir (AirVisual) đã lý giải rằng, người Việt đã hiểu nhầm về bảng xếp hạng chất lượng không khí do hãng cung cấp.
Hình ảnh ô nhiễm đăng tải trên website của AirVisual
"Chúng tôi thực hiện đánh giá chất lượng ô nhiễm dựa trên tổng hợp từ các trạm giám sát của chính phủ tại từng quốc gia trên thế giới, kèm theo số liệu thực tế đo được từ các cảm biến AirVisual Pro do hãng phân phối. Tại Việt Nam, chúng tôi sử dụng dữ liệu từ cổng thông tin giám sát môi trường Hà Nội của chính phủ và từ đại sứ quán Hoa Kỳ để báo cáo mức độ ô nhiễm không khí theo thời gian thực. Ngoài ra, AirVisual cũng cũng hợp tác cùng Greenpeace (Tổ chức Hòa Bình Xanh) để cung cấp một bảng xếp hạng toàn cầu hàng năm".
IQAir cho biết, bảng xếp hạng của AirVisual hiện bao gồm khoảng 90 thành phố lớn trên toàn cầu. Bất cứ lúc nào, một thành phố bất kỳ trong danh sách có thể vượt lên để đứng đầu bảng xếp hạng do dữ liệu không khí được cập nhật liên tục.
Trước những thông tin trên, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, AirVisual đã không công bố đầy đủ cách thức đánh giá chất lượng không khí nên những số liệu mà đơn vị này cung cấp là hoàn toàn không chính xác. "Tôi khẳng định, việc lý giải về số liệu quan trắc từ cổng thông tin giám sát môi trường Hà Nội là không đúng, vì theo tôi biết thì đơn vị này chưa hề có bất cứ sự đồng ý nào, kể cả bằng văn bản", ông Dũng cho hay. Theo TS vật lý Nguyễn Văn Khải khẳng định, người dân chỉ coi những số liệu cảnh báo về ô nhiễm môi trường tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh những ngày qua mà AirVisual đưa ra là tư liệu tham khảo. Bởi vì, để có được đánh giá chính xác về chất lượng không khí thì cần quá trình nghiên cứu tổng hợp, dài hạn, theo một quy trình, cách thức đo, con người đo, chỉnh đầu đo, không gian đo. |