Vì sao dân mạng dễ bị lừa bởi tin "Mr.Bean" qua đời?
Thông tin Mr.Bean qua đời hoàn toàn là thông tin giả mạo, nhằm lừa đảo người dùng. Tuy nhiên, cũng có lý do để các thành phần giấu mặt "hết lần này đến lần khác" lặp lại trò lừa đảo này!
Mới đây, thông tin về việc diễn viên Rowan Atkinson - hay còn quen thuộc với vai diễn Mr. Bean gắn liền với tuổi thơ của nhiều người - đã nổi lên và được cho là vừa qua đời trong một vụ tại nạn ô-tô. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là thông tin giả mạo, lại còn là âm mưu hòng lừa đảo qua mạng để trục lợi của những thành phần giấu mặt.
Thực chất, nội dung dối trá này đã nổi lên lần đầu từ năm 2016, lặp lại vào năm ngoái, giờ lại tiếp tục bị khơi lại một cách có chủ đích vào ngày 19/7. Hài hước là nguồn tin lừa đảo gốc này thậm chí còn không thèm đổi thời gian ngày "chết giả" của diễn viên Mr. Bean, vẫn để là tháng 3/2017.
Có lẽ một phần những thông tin giả mạo này dễ lan truyền trong cộng đồng mạng quốc tế là bởi Rowan Atkinson đúng thật đã từng suýt mất mạng vì tai nạn xe hơi. Năm 2011, ông đang lái chiếc McLaren bạc tỷ của mình trên đường về nhà sau khi đóng phim thì bỗng mất lái. May mắn là dù chiếc xe thiệt hại nặng nhưng Atkinson chỉ bị rạn xương vai, sau đó được chuyển tới bệnh viện điều trị ngay lập tức. Chính quản lý khi đó của Atkinson - Peter Bennett Jones đã xác nhận điều đó.
Thông tin về các ngôi sao qua đời cũng thường xuyên được làm giả để lan truyền virus độc hại. Trang web Hoax Slayer đã thống kê hầu hết trường hợp tương tự để cảnh báo độc giả.
Những tin giả này thường dẫn người dùng đến các trang web cảnh báo máy tính đã bị xâm nhập và yêu cầu người dùng gọi đến số điện thoại hỗ trợ. Nhưng khi họ gọi đến, những kẻ lừa đảo sẽ thu thập thông tin tài khoản ngân hàng của họ với mục đích thanh toán tiền sửa chữa máy tính hoặc tải phần mềm bảo vệ máy.
Thực chất, đó là các phần mềm kiểm soát máy tính và ăn cắp dữ liệu, cài mã độc từ xa.