Vết bầm tím xuất hiện trên da cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm

08-07-2019 06:37:48

Da hay bị bầm tím là dấu hiệu cảnh báo của nhiều căn bệnh nguy hiểm mà nhiều người thường chủ quan nên bỏ qua.


Vết bầm tím xuất hiện trên da có thể là dấu hiệu cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm

Thông thường sau khi bị té ngã, bị đánh hoặc va đập ở mức độ nhẹ, các mạch máu dưới da sẽ bị vỡ và gây bầm tím. Tình trạng này dễ xảy ra với người già vì da họ mỏng hơn người trẻ. Tuy nhiên, nếu vết bầm tím xuất hiện nhiều lần, thậm chí khi không có sự tác động vật lý thì có thể là triệu chứng của những căn bệnh nguy hiểm.

Bệnh tiểu đường

Những người bị bệnh tiểu đường da có thể biến đổi màu thành ngăm đen, thường ở những vùng mà tại đó da thường xuyên tiếp xúc vùng da khác. Những biến đổi màu này có thể bị nhầm lẫn với vết bầm tím, nhưng nguyên nhân ẩn giấu thực ra là do đề kháng insulin.

Bệnh gan

Gan có chức năng sản xuất các yếu tố đông máu. Nếu bộ phận này bị tổn thương dẫn đến thiếu hụt protein cần thiết cho đông máu, bạn sẽ dễ bị chảy máu và bầm tím. Kèm theo đó là hiện tượng da chuyển sang màu vàng, ngứa, trong khi nước tiểu có màu sẫm và chân có thể bị sưng

Thiếu vitamin

Thiếu hụt vitamin C và vitamin K có thể gây bầm tím không rõ nguyên nhân. Vitamin C rất quan trọng để chữa lành vết thương và sản xuất collagen, một thành phần cấu trúc quan trọng của da. Nếu không có đủ của vitamin C, các mạch máu sẽ mở và dễ bị vỡ. Dấu hiệu bạn cần bổ sung vitamin C bao gồm: Mệt mỏi, trầm cảm, chảy máu nướu răng, khớp sưng, chảy máu cam, tóc và da khô.

Bệnh xuất huyết dưới da

Xuất huyết dưới da là tình trạng về mạch máu (vốn phổ biến hơn ở người già) gây ra rất nhiều vết bầm nhỏ li ti. Các vết bầm tím là do máu bị rò rỉ ra ngoài các mao mạch nhỏ.

Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu sẽ khiến làn da của bạn bị tổn thương và dễ bầm tím, thậm chí da bị mỏng đi nhanh hơn vì ánh nắng gây tổn hại cho da rất lớn, nhất là khi bị cháy nắng. Về lâu dài, bạn có khả năng bị ung thư da là rất lớn. Để tránh điều này, bạn có thể ngăn chặn bằng cách che chắn không để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, dùng kem chống nắng có mức độ SPF phù hợp.

Ung thư

Trong một số trường hợp hiếm gặp, bầm tím là dấu hiệu ung thư máu, ung thư tủy xương hoặc ung thư hạch bạch huyết. Lúc này, bệnh nhân thường dễ bị chảy máu nướu răng, da dễ bị bầm tím, sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi đêm và đau nhức xương đi kèm.

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //