U sarcom: lời đồn thổi & sự thật
Bác sĩ Leon Foo – chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình - Bệnh viện Mount Elizabeth Singapore chỉ ra một số thông tin sai lệch xoay quanh căn bệnh hiếm gặp này tại buổi hội thảo trực tuyến gần đây.
Thực phẩm chức năng có thể ngăn ngừa u sarcom
Sự thật: Mặc dù có những loại thực phẩm giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, nhưng không có loại thực phẩm đơn lẻ hay cụ thể nào có thể ngăn ngừa bệnh u sarcom.
Lời khuyên tốt nhất chính là duy trì chế độ ăn uống cân bằng. Vì mỗi loại thực phẩm sẽ chứa các chất dinh dưỡng khác nhau, nên bạn cần ăn mỗi thứ một ít để đảm bảo rằng cơ thể nhận được đa dạng loại vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng cơ thể đang cần bổ sung.
Ăn ít chất béo, dầu mỡ, đường và muối; dùng lượng thịt vừa phải; ăn nhiều trái cây và rau xanh. Bổ sung đa dạng các loại trái cây và rau xanh - có nghĩa là ăn tất cả thực phẩm có màu sắc khác nhau để nhận được đa dạng dinh dưỡng.
U không đau thì không phải là u sarcom
Sự thật: Phần lớn các u ác tính (ung thư hoặc có tính chất u sarcom) đều không đau. Không may là vào thời điểm bạn cảm thấy đau thì những u này đã đi vào vào giai đoạn tiến triển. Ví dụ, với u sarcom xương, đau xương dai dẳng bộc phát thường vào lúc khoảng 1/3 xương đã bị phá hủy trước đó. Ở các u sarcom mô mềm, người bệnh cũng không đau trừ khi khối u chèn ép hoặc xâm lấn vào các dây thần kinh.
Dưới đây là một số dấu hiệu quan trọng cần chú ý khi đánh giá hoặc theo dõi khối u. Nếu có bất kỳ dấu hiệu dưới đây, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa ung bướu:
- U tăng kích thước
- Thay đổi đặc điểm, hình dạng
- Thay đổi màu sắc
- Sờ vào u thấy ấm nóng lên
- U nằm sâu bên trong
- U làm đau
- Mọc ra nhiều u mới
Đối tượng cần chú ý nhất chính là trẻ em. Trẻ nhỏ ít khi nói dối hay giả đau ốm. Nếu con bạn có dấu hiệu đau nhức dai dẳng, đừng nhầm lẫn các triệu chứng này với chấn thương thể thao hoặc đau xương trong tuổi phát triền. Hãy nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá thêm, bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang và / hoặc chụp cộng hưởng từ nếu cần thiết cho chẩn đoán.
Các xét nghiệm chỉ điểm khối u có kết qủa bình thường nên tôi không thể mắc u sarcom
Sự thật: Hiện tại, không có loại xét nghiệm chỉ điểm khối u nào có thể phát hiện u sarcom. Các xét nghiệm chỉ điểm khối u trong gói khám sức khỏe tổng quát hiện nay còn rất hạn chế phạm vi tầm soát bệnh, cụ thể một số loại là ung thư gan (AFP), ung thư buồng trứng (CA125), ung thư tụy (CA19-9), ung thư vú (CA15-3), ung thư đại trực tràng (CEA) và ung thư tuyến tiền liệt (PSA), nhưng không có u sarcom.
Làm sinh thiết sẽ khiến u sarcom lan rộng
Sự thật: Thông tin sai lệch này đã có từ trước đây. Bắt đầu từ khi các bác sĩ chụp PET CT toàn thân để đánh giá giai đoạn sau sinh thiết và kết quả cho thấy u sarcom đã lan rộng. Phát hiện này vô tình gây hiểu lầm là vì sinh thiết nên u mới lan ra nhanh hơn. Thực ra u dạng sarcom không có tốc độ lan nhanh. Các tế bào ác tính cần thời gian để đột biến trước khi có thể di căn từ bộ phận này sang bộ phận khác của cơ thể. Ngày nay, các bác sĩ thường tiến hành đánh giá giai đoạn trước khi sinh thiết nếu nghi ngờ khối u ngay từ đầu có rủi ro sarcom cao.
Lưu ý nhỏ: sinh thiết là một phương pháp xét nghiệm cực kỳ quan trọng giúp xác định chính xác loại ung thư, cấp độ của khối u. Đối với các loại u sarcom nói riêng thì xét nghiệm nhuộm hóa mô miễn dịch và di truyền tế bào sẽ giúp xác định phương pháp điều trị nào cho ra kết quả và đáp ứng lâm sàng tốt nhất. Hiện nay, hầu hết các phương pháp sinh thiết được thực hiện thông qua thủ thuật chọc hút bằng kim lõi xâm lấn tối thiểu / dưới da. Sinh thiết chọc hút bằng kim lõi dưới da cũng thường được thực hiện dưới sự hướng dẫn của chẩn đoán hình ảnh để tăng độ chính xác và tránh làm tổn thương các cơ quan, cấu trúc quan trọng xung quanh.
U sarcom Giai đoạn 4 không còn hy vọng cứu chữa
Sự thật: Với những phát triển mới trong phẫu thuật, hóa trị, xạ trị cũng như các thử nghiệm lâm sàng về thuốc mới, liệu pháp gen và tế bào gốc, bệnh nhân u sarcom ngày nay có cơ hội sống sót cao hơn ngay cả khi họ được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển.
Điều trị u sarcom phá hủy cơ thể nhiều hơn là chữa bệnh
Sự thật: Nỗi sợ này có liên quan đến hóa trị vì những tác dụng phụ tiềm ẩn, chẳng hạn như rụng tóc và buồn nôn. Điều này không hoàn toàn đúng. Ví dụ, không phải bệnh nhân nào cũng bị rụng tóc, thậm chí nếu có rụng tóc thì tóc mới sẽ tiếp tục mọc lại. Ngoài ra còn có nhiều loại thuốc khác để kiểm soát các tác dụng phụ như buồn nôn mà bác sĩ kê toa dự phòng để giúp quá trình điều trị của bệnh nhân dễ chịu hơn.
Phẫu thuật u sarcom sẽ phải đoạn chi (cắt bỏ tay/ chân)
Sự thật: Mặc dù có thể phải đoạn chi trong một số trường hợp, nhưng các bác sĩ ngày nay đều ưu tiên bảo tồn chi khi thực hiện phẫu thuật. Ngày càng có nhiều phương pháp mới hơn để tái tạo các chi bằng cách sử dụng xương ghép đồng loại (Allograft - từ xương hiến tặng) và miếng ghép nhân tạo, bệnh nhân về sau vẫn sinh hoạt bình thường như lúc trước. Còn có các miếng ghép thích ứng với sự phát triển của cơ thể có thể sử dụng trong điều trị, mặc dù giá thành hiện khá đắt đỏ.
Một số bệnh nhân tin rằng để đi đến phương án đoạn chi thì có nghĩa là điều trị đã thất bại. Đây không phải là sự thật. Mặc dù các bác sĩ sẽ cố gắng hết sức để bảo tồn chi cho bệnh nhân, nhưng đôi khi sẽ không thể được nếu khối u đã phát triển quá lớn, hoặc không thể bảo tồn hay tái tạo mạch máu, dây thần kinh cho phần chi ấy. Nhiều người bị đoạn chi thực tế vẫn có cuộc sống bình thường, lạc quan và vui vẻ. Điều này phụ thuộc vào vùng bị đoạn chi và động lực sống của mỗi người, đa số bệnh nhân sau đoạn chi vẫn có thể chạy bộ, bơi lội và chơi các môn thể thao khác nhau.
Bác sĩ Leon Foo từ bệnh viện Mount Elizabeth Singapore sẽ có buổi tư vấn trực tiếp dành cho bệnh nhân gặp các vấn đề liên quan tới cột sống, khớp vai, khớp gối, khớp háng, mắt cá chân, hội chứng ống cổ tay, đau thần kinh toạ, ung thư sarcom, phẫu thuật bảo tồn chi với các khối u xương và mô mềm vào ngày thứ Năm, 13/10/2022. Để biết thêm thông tin chi tiết và đăng ký tham dự, xin liên hệ: |