"Tuyệt chiêu" phù phép dấm gạo giả từ axit và nước lã phục vụ người dân dịp Tết
Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện một cơ sở đang sản xuất dấm gạo bằng cách pha chế từ axit axetic và nước lã.
Sáng 23/12, Đội CSMT, Công an TP Thanh Hóa phối hợp với lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất dấm Thanh Hóa (tại số 275 đường Bà Triệu, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa). Tại đây, lực lượng CSMT đã phát hiện cơ sở này đang sản xuất dấm gạo bằng việc pha chế từ axit axetic và nước lã.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang chuẩn bị cho ra lò hàng trăm chai dấm gạo giả được pha chế từ axit axetic và nước lã. Lượng chức năng đã thu giữ 348 chai thành phẩm dấm gạo với dung tích 500ml (chứa trong nhiều thùng các-tông); 2 lít axit axetic, cùng nhiều tang vật khác có liên quan đến việc sản xuất dấm gạo giả.
Dấm gạo giả phát hiện ở Thanh Hóa ngày 23/12. Ảnh: Dân Trí
Trước những chứng cứ không thể chối cãi, chủ cơ sở trên là bà Bùi Thị Thơ (sinh năm 1958) đã thừa nhận hành vi vi phạm, đồng thời khai nhận, số hàng trên được pha chế, sản xuất để chuẩn bị đưa đi tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu tới.
Vậy nếu lô dấm gạo gải này bị tuồn ra trị trường, người tiêu dùng sẽ ra sao? Theo PGS. TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết: “Axit axetic tự nhiên dùng trong thực phẩm thực có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Song, cũng có loại axit axetic sản xuất công nghiệp, không được sử dụng trong thực phẩm. Nếu sản xuất dấm từ việc pha chế nước với axit axetic công nghiệp thì sẽ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng”, ông Côn nói.
Dấm gạo giả trước đây phát hiện ở Nghệ An. Ảnh: VnExpress
Theo ông Côn, cơ quan chức năng cần làm rõ cơ sở sản xuất dấm giả dùng axit axetic nào, nồng độ pha chế là bao nhiêu. Axit axetic công nghiệp chỉ làm cho dấm có vị chua chứ không có chất bổ dưỡng. "Ngoài thành phần chính là axit axetic, có thể có các tạp chất khác đi kèm, cần phải lấy mẫu phân tích để xác định trong axit axetic”, vị chuyên gia hóa học phân tích.
Chuyên gia này cũng phân tích, nếu tỷ lệ % axit axetic trong dấm từ 3 đến 5% thì không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu dùng quá nhiều axit axetic sẽ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Người pha chế sơ suất hoặc không hiểu biết về kiến thức hóa học, axit axetic vượt quá ngưỡng cho phép sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, "bào mòn" dạ dày, nguy cơ ngộ độc thần kinh, ung thư, thậm chí là chết người.