Tuyển sinh Đại Học 2021: Thêm lựa chọn cho thí sinh
Với định hướng về thi và tuyển sinh cơ bản ổn định như năm 2020, thời điểm này nhiều trường đại học (ĐH) đã lên phương án tuyển sinh dự kiến của năm sau và công bố công khai đến các thí sinh và phụ huynh. Nhiều cơ hội mới mở ra về cả ngành nghề và phương thức xét tuyển.
Ảnh minh họa
Mở ngành mới, thêm phương thức xét tuyển
Năm 2021, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM dự kiến tuyển 41 ngành với 3 phương thức xét tuyển. Trong đó, riêng đối với các thí sinh xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng, trường có dành ưu tiên cho các thí sinh có điểm trung bình học bạ 5 học kỳ của từng môn theo tổ hợp từ 7,0 trở lên kèm với thư giới thiệu của thầy hiệu trưởng đối với các trường liên kết (có ký kết hợp tác).
Xét điểm IELTS từ 5.0 và 6.0 đối với từng ngành, điểm SAT từ 800 trở lên. Riêng ngành Robot và trí tuệ nhân tạo sẽ dạy và học bằng tiếng Anh, trường sẽ miễn học phí cho 10 sinh viên. Đây là thông tin hấp dẫn nhiều thí sinh và phụ huynh bởi như chia sẻ trước đó của PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường, những sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo bằng tiếng Anh, cơ hội việc làm với mức lương cao rất rộng mở. Có trường hợp điểm đầu vào của các em học chương trình liên kết không cao bằng sinh viên hệ đại trà nhưng khi tốt nghiệp, với nền tảng ngoại ngữ tốt giúp các em có được công việc thu nhập tốt.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TP HCM dự kiến dành tới 65% chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhà trường duy trì 4 phương thức xét tuyển đối với 6.600 chỉ tiêu cho 50 ngành ĐH chính quy nhưng sẽ bổ sung nhiều ngành học “hot” như Rô-bốt và trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, quản trị nhân sự, quan hệ công chúng và quan hệ quốc tế. Đại diện nhà trường cho biết đây đều là những ngành đòi hỏi nhân lực chất lượng, được đào tạo bài bản nhưng hiện nay chưa có nhiều trường đào tạo.
Trong khi đó, Trường ĐH Mở TP HCM năm tới dự kiến áp dụng tới 7 phương thức. Ngoài các phương thức truyền thống như trước, trường còn có thêm phương thức xét thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-level của Trung tâm khảo thí ĐH Cambridge theo điểm 3 môn trở lên (điểm mỗi môn đạt từ C trở lên) và kết quả kỳ thi SAT đạt từ 1.100/1.600 trở lên.
Như vậy, có thể thấy trong bối cảnh đẩy mạnh thực hiện tự chủ ĐH hiện nay, các trường đều chủ động công bố sớm đề án tuyển sinh để tạo cơ hội cho người học cân nhắc nguyện vọng cũng như có sự chuẩn bị từ sớm nếu muốn đăng ký vào trường.
Bên cạnh phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể chọn thi thêm các chứng chỉ và kỳ thi khác để tăng cơ hội vào ngành, trường mình yêu thích. Đặc biệt, việc đỗ ĐH sớm sẽ giảm áp lực khá nhiều cho thí sinh và gia đình bởi nếu chỉ có một cơ hội duy nhất là điểm thi tốt nghiệp THPT thì rõ ràng nguy cơ may rủi rất lớn.
Khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung
Tại Hội nghị Giáo dục ĐH vừa được Bộ GDĐT tổ chức, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng vụ GDĐH, Bộ GDĐT cho biết, để bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới tuyển sinh, cơ sở đào tạo có phương án/kế hoạch rõ ràng, thực hiện đúng cam kết tạo lòng tin, sự ủng hộ; nên ổn định trong nhiều năm (khi thay đổi lớn cần thông báo trước 2-3 năm).
Trước mắt, các trường đều ủng hộ duy trì phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT trong năm 2021. Lộ trình từ năm 2021-2025, tuyển sinh ĐH sẽ đi theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ thi riêng; hình thành trung tâm khảo thí độc lập với ngân hàng câu hỏi, đề thi chuẩn hóa thi trên máy tính. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ ổn định như năm 2020, tương lai sẽ tiến tới thi trên máy tính.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ đã giao cho Cục Quản lý chất lượng nghiên cứu điều kiện thành lập trung tâm khảo thí độc lập, chuẩn hóa về ra đề thi để các trường có thể yên tâm sử dụng kết quả.
Ông Sơn cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tới đây, Cổng đăng ký thi và xét tuyển sẽ được tích hợp từng bước vào Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước.
Nhằm tăng vai trò tự chủ và trách nhiệm của cơ sở GDĐH, đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GDĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường, đồng thời chuẩn bị các điều kiện tiến tới thành lập các trung tâm khảo thí độc lập.
Bộ GDĐT khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung, tích hợp các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỉ lệ ảo cho các trường khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
Tuy nhiên, các trường cần tăng cường công tác tư vấn truyền thông, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, sát thực, nhất quán đối với thí sinh.