Tưởng chỉ là rối loạn tiêu hóa, nhiều người mắc ung thư mà không biết
Thỉnh thoảng xuất hiện chán ăn, đầy bụng, táo bón, đi ngoài phân nhỏ, đi ngoài kèm máu hoặc sụt cân bất thường… nhiều người dân chủ quan, lầm tưởng đó chỉ biểu hiện của rối loạn tiêu hóa thông thường. Vào viện, họ giật mình khi bác sĩ kết luận mắc ung thư.
Bệnh nặng vì chủ quan với dấu hiệu rối loạn tiêu hóa
Nhiều năm nay, bệnh nhân L. L. A (50 tuổi, ở Bắc Ninh) thỉnh thoảng xuất hiện đau bụng vùng hạ vị quặn từng cơn sau khi ăn đồ lạ. Ngoài ra, chị A không có khó chịu gì khác như không nôn, không sốt, không gầy sụt cân. Gần đây khi thấy những cơn đau xuất hiện nhiều hơn, vào viện khám và nội soi đại trực tràng, chị phát hiện bị ung thư đại tràng ngang.
Cũng chủ quan với những dấu hiệu rối loạn tiêu hóa bất ngờ phát hiện ra ung thư từ chính những triệu chứng tưởng chừng dễ bỏ qua này. Bình thường anh P.V.Đ (28 tuổi, ở Thanh Hóa) xuất hiện triệu chứng ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, ăn uống kém. Anh đã tự ý mua thuốc dạ dày về uống, tình trạng bệnh có đỡ nhưng không khỏi hẳn. Khi vào viện nội soi dạ dày mới ngã ngửa vì kết quả khám chẩn đoán ung thư dạ dày.
Các bác sĩ đang tiến hành nội soi cho bệnh nhân. Ảnh BV
BS Bùi Văn Long - Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, những trường hợp như hai bệnh nhân trên không phải là hiếm. Nhiều trường hợp xuất hiện triệu chứng mơ hồ của bệnh tiêu hóa nhưng đã hốt hoảng khi bác sĩ báo tin "sét đánh ngang tai" thông báo kết quả chẩn đoán ung thư.
Hệ tiêu hóa của con người được chia ra làm 2 nhóm cơ quan: Ống tiêu hóa (gồm miệng, hầu, thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng, trực tràng và hậu môn) và tuyến tiêu hóa (gồm: các tuyến nước bọt ở miệng, tuyến tiêu hóa ở ruột, tụy, gan, mật…). Các bệnh lý đường tiêu hóa rất đa dạng như viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, viêm đại tràng, trong đó nguy hiểm hơn là
ung thư đại trực tràng.
Ung thư đại trực tràng là bệnh phổ biến hàng thứ 5 tại Việt Nam sau ung thư gan, phổi, dạ dày, vú. Mỗi năm ghi nhận gần 15.000 ca mắc mới, tỉ lệ 13,4/100.000 dân và khoảng hơn 7.000 ca tử vong. Trong khi đó, rất nhiều người khi có những dấu hiệu rối loạn tiêu hóa thường không đi khám mà tự ý điều trị, thậm chí bỏ qua dẫn tới vào viện khi đã ở giai đoạn muộn.
Đừng để mắc ung thư từ thói quen hàng ngày
BS Bùi Văn Long khuyến cáo, tuy tỷ lệ tử vong cao song ung thư đường tiêu hoá hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, có phương pháp can thiệp chính xác và kịp thời.
Để chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa ngoài khám lâm sàng cần sử dụng các kỹ thuật cận lâm sàng như siêu âm, chụp X-quang, nội soi, chụp cắt lớp vi tính, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, test hơi thở… trong đó nội soi là phương pháp cần thiết và có mặt trong hầu hết các trường hợp kiểm tra bệnh ở đường tiêu hóa.
Kỹ thuật này không gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh. Nội soi được xem như tấm gương phản ánh trung thực sức khỏe đường tiêu hóa, nó có giá trị rất lớn trong việc chẩn đoán các bệnh lý lành tính cũng như ung thư đường tiêu hóa (thực quản - dạ dày - đại trực tràng), đặc biệt còn có thể phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm hoặc rất sớm, khi tổn thương chỉ vài milimet. Việc phát hiện sớm này quyết định hiệu quả điều trị cũng như nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng, bệnh lý đường tiêu hóa có mối liên hệ chặt chẽ tới lối sống, chế độ ăn uống hàng ngày như thức khuya, ăn nhiều thịt, ít rau, sử dụng đồ nướng, thức ăn nhanh, uống nhiều rượu, hút thuốc lá... Do đó, để phòng ngừa mắc bệnh lý đường tiêu hóa cần:
- Ăn uống hợp lý (tăng cường rau xanh, trái cây), hạn chế các chất có hại cho đường tiêu hóa như chất kích thích, rượu, bia...
- Tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh (không thức quá khuya), hạn chế stress...
- Đặc biệt, đi khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng/năm để phát hiện kịp thời nguy cơ mắc bệnh, đây là cách tốt nhất hiện nay để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Hoặc nếu thấy cơ thể xuất hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa, sụt cân, đi ngoài ra máu kéo dài,…cần đi khám ngay.