Từ ngày mai những tội nào sẽ không được đặc xá theo Luật mới?
Ngày mai (1/7) Luật đặc xá sẽ chính thức có hiệu lực, so với Luật Đặc xá năm 2007, Luật Đặc xá năm 2018 bổ sung 16 tội không được đề nghị đặc xá cho dù người bị kết án phạt tù có đủ điều kiện quy định.
Đặc xá là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Ảnh: Vietnamnet.
Những tội danh không được đề nghị xét đặc xá gồm: Tội phản bội Tổ quốc; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội gián điệp; Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; Tội bạo loạn; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội phá rối an ninh; Tội chống phá cơ sở giam giữ; Tội khủng bố hoặc một trong các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự.
Theo Luật đặc xá năm 2007, người đủ điều kiện nhưng không được xét đặc xá trong các trường hợp: Bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; Trước đó đã được đặc xá; Có từ hai tiền án trở lên;
Như vậy so với Luật đặc xá năm 2007, Luật đặc xá năm 2018 đã cụ thể hóa hơn về việc không được đề nghị xét đặc xá.
Một điểm mới đáng chú ý nữa là tại Khoản 1 Điều 15 Luật đặc xá năm 2018 quy định: “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Quyết định về đặc xá được niêm yết, phổ biến, người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn căn cứ vào quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Luật này làm đơn đề nghị đặc xá.” Luật đặc xá năm 2007 không cho phép người đang chấp hành án phạt tù có quyền này mà chỉ có giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam mới được đề nghị đặc xá.
Luật đặc xá năm 2018 bổ sung quy định: “Theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc trong trường hợp Chính phủ đề nghị đặc xá được Chủ tịch nước chấp nhận, Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng tờ trình của Chính phủ và dự thảo Quyết định về đặc xá. Tờ trình và dự thảo Quyết định về đặc xá phải được trình Chủ tịch nước chậm nhất là 60 ngày trước thời điểm đặc xá để Chủ tịch nước xem xét, ban hành Quyết định về đặc xá.
Về thời điểm đặc xá, Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước; Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước.
Luật Đặc xá 2018 được Quốc hội thông qua ngày 19-11-2018, có hiệu lực từ 1-7-2019 với 39 điều quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá. Luật gồm 6 chương, 39 điều; so với Luật Đặc xá năm 2007 đã tăng 03 điều (trong đó bỏ 02 điều, bổ sung 05 điều), sửa đổi, bổ sung 34 điều với bố cục và nội dung cơ bản.
Ngoài Luật đặc xá, các luật có hiệu lực vào ngày mai (1/7) gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng 2018; Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018; Luật Công an nhân dân năm 2018; Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018; Luật Cạnh tranh 2018.