Trước vụ đổ trộm dầu thải, Công ty gốm sứ Thanh Hà từng dính những 'lùm xùm' môi trường nào?
Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) được cơ quan công an xác định đã chuyển giao 8.830 kg dầu thải cho nhóm nghi can đổ trộm vào nguồn nước sông Đà.
Trụ sở Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà. Ảnh: GD&TĐ
Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) được cơ quan công an xác định đã chuyển giao 8.830 kg dầu thải cho nhóm nghi can có hành vi đổ trộm dầu ra nguồn nước của Nhà máy nước sạch sông Đà.
Theo biên bản do ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà cung cấp chiều 21/10 thông tin, quá trình sản xuất, công ty này có phát sinh chất thải nguy hại là dầu thải.
Hồi tháng 9 vừa qua, Lý Đình Vũ (37 tuổi, trú ở Bắc Ninh) - người được cho là chủ mưu trong đổ dầu thải - đã liên lạc với bà Nguyễn Thị Huyền Trang (31 tuổi, con gái ông Truyền) đề xuất việc xử lý, tái chế dầu thải đang lưu giữ tại công ty và được người phụ nữ này đồng ý. Theo thỏa thuận miệng, bà Trang sẽ phải trả cho Vũ số tiền để thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít.
Đến sáng 7/10 (không phải 6/10 như thông tin ban đầu), khi Vũ đến Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà để thu mua dầu thải thì bà Trang đi vắng. Sau khi Vũ gọi điện, bà Trang cho biết đã giao lại cho ông Trần Thành Trung (44 tuổi, phụ trách kho vật tư công ty) thay mình bán dầu thải.
Khoảng 8h sáng cùng ngày, Nguyễn Chương Đại (25 tuổi, người được Vũ thuê, trú tại Bắc Ninh) điều khiển xe tải mang biển kiểm soát 99C-087.83 vào trong công ty để thu gom dầu. Đi cùng xe của Đại còn có Hoàng Văn Thám (33 tuổi, trú tại Lạng Sơn).
Nhóm người này đã sử dụng bơm có sẵn trên xe để hút dầu thải từ 4 téc và các thùng dầu còn lại. Sau khi thu gom xong, trọng lượng dầu thải trên xe mà Vũ đã thu mua khoảng 8.830 kg (theo phiếu cân số 8063 của công ty).
Đại diện công ty là ông Trần Trung Thành (Phó Giám đốc) thừa nhận hành vi vi phạm trong quản lý và chuyển giao chất thải nguy hại (là dầu thải) theo quy định. Công ty đã không ký hợp đồng, không thẩm định tư cách pháp nhân và chức năng của đơn vị tiếp nhận dầu thải trước khi chuyển giao.
Thông tin trên Dân Trí, trước vụ đổ trộm dầu thải, vào năm 2016, Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà (CTH) 160 triệu đồng vì chưa có giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt.
Đến năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ đưa ra kết luận kiểm tra về bảo vệ môi trường tài nguyên nước, trong đó nêu các tồn tại của công ty gồm: Chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; chưa nộp đủ phí bảo vệ môi trường, lò sấy của công ty được chuyển đổi từ than sang cám cưa chưa báo cáo với cấp có thẩm quyền.